Những hội chứng sợ hãi kỳ quái: Sợ làm việc, sợ không có điện thoại!

Tô Sa

(Dân trí) - Người mắc hội chứng sợ làm việc luôn cảm thấy căng thẳng, sợ hãi trong môi trường cơ quan và không thể phát huy hết khả năng của mình.

Omega Plus phát hành Từ điển những nỗi sợ hãi và cuồng loạn của tác giả Kate Summerscale, do Trần Đức Trí biên dịch, gồm 99 nỗi ám ảnh sợ hãi (phobia) và cuồng loạn (mania). Cuốn sách thuộc tủ sách Y sinh của Omega Plus.

Những nỗi sợ hãi và cuồng loạn được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tên tiếng Anh từ Ablutophobia (chứng sợ sạch sẽ) đến Zoophobia (chứng sợ động vật), hoặc có thể chia thành các nhóm chủ đề như: cơ thể, tiếng ồn, bị cô lập, chạm vào…

Cuốn sách đưa độc giả vào hành trình tìm hiểu nguồn gốc, cơ chế tâm lý của những nỗi ám ảnh, góp phần khai quật lịch sử về sự kỳ lạ của con người từ thời trung cổ đến nay.

Tác phẩm cũng đưa ra những lời giải thích và một số phương pháp điều trị tích cực, hiệu quả cho những nỗi sợ hãi và cuồng loạn mạnh mẽ nhất.

Chứng sợ làm việc

Ergophobia, hay chứng ám ảnh sợ làm việc ("ergon" trong tiếng Hy Lạp nghĩa là làm việc), được xác định là một chứng bởi William Dunnett Spanton, bác sĩ phẫu thuật ở Staffordshire, trong tập san British Medical Journal năm 1905.

Spanton quy sự lây lan nhanh chóng của chứng này là do Đạo luật Bồi thường cho người lao động năm 1897, yêu cầu người sử dụng lao động phải trả công cho người nghỉ việc sau khi bị chấn thương trong quá trình làm việc.

Một người sợ làm việc, Spanton viết, là kẻ không thích gì ngoài hút thuốc, xem bóng đá và thức khuya; y sẽ nghỉ việc mấy tuần vì một vết thương nhỏ như dập ngón tay chẳng hạn.

Báo chí hiểu ý của Spanton: "ergophobia", tờ Baltimore Sun nói, là "tên gọi mới của sự lười biếng". Hay, như tờ The Bystander của London đã đề cập, trong một bài thơ xuất bản vào tháng 6 năm đó:

Sáng sớm thấy hơi uể oải,

Chả muốn thức dậy tẹo nào,

Và tiếng gõ cửa thiệt là phiền toái,

Vì bản thân chả thể mở mắt nổi...

Cảm thấy mình chả hợp với gì cả

Ngoài việc ngả lưng ra sàn;

Nếu triệu chứng của bạn là thế, thì bạn đã mắc bệnh rồi,

Bạn là một người sợ làm việc.

Những hội chứng sợ hãi kỳ quái: Sợ làm việc, sợ không có điện thoại! - 1

Bìa sách "Từ điển những nỗi sợ hãi và cuồng loạn" (Ảnh: Omega Plus).

Chứng sợ không có điện thoại 

Thuật ngữ nomophobia - một cách viết gọn của "chứng ám ảnh sợ không có điện thoại" (no mobile phone phobia) - được đặt ra trong một khảo sát của bưu điện về người dùng điện thoại di động ở Anh năm 2008.

Nghiên cứu này được tiến hành khi các thiết bị này đã được bày bán trên thị trường 25 năm, nhận thấy gần 53% người tham gia cảm thấy lo lắng khi điện thoại của họ bị thất lạc, hoặc có độ kết nối kém, chai pin hoặc quyền lợi hạn chế.

Hơn 9% thấy lo lắng khi điện thoại của họ bị tắt. Mức độ lo âu có thể sánh với những lo âu trước ngày cưới hay khi tới gặp bác sĩ.

Sự phụ thuộc vào điện thoại di động vẫn tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới. Một nghiên cứu năm 2012 mô tả điện thoại là "chất gây nghiện phi ma túy lớn nhất của thế kỷ 21".

Những hội chứng sợ hãi kỳ quái: Sợ làm việc, sợ không có điện thoại! - 2

Nhiều người trẻ mắc hội chứng không có điện thoại (Ảnh minh họa).

Khi được sử dụng để cải thiện trạng thái mất tinh thần, chúng dường như kích hoạt cùng một cơ chế tưởng thưởng và củng cố sinh học thần kinh như đánh bạc và rượu.

Dành quá nhiều thời gian cho điện thoại có thể làm gia tăng lo lắng và trầm cảm, làm đau nhức cổ tay và cổ, gây tổn hại đến giấc ngủ, khả năng tập trung và học lực.

Một loạt các nghiên cứu quốc gia từ năm 2014 đến 2018 nhận thấy việc sử dụng điện thoại quá mức đặc biệt phổ biến ở lứa tuổi thanh thiếu niên: khoảng 10% ở Anh, 17% ở Đài Loan (Trung Quốc) và Thụy Sĩ, 31% ở Hàn và Ấn Độ.

Người sợ không có điện thoại thường bị tác động bởi "Nỗi sợ bị bỏ lỡ" (Fear of Missing Out - FOMO) và cũng liên quan mật thiết "Nỗi sợ ngoại tuyến" (Fear of Being Offline).

Năm 2014, các bác sĩ tâm thần người Ý Nicola Luigi Bragazzi và Giovanni Del Puente đã liệt kê những dấu hiệu của sự phụ thuộc quá mức vào điện thoại.

Những người sợ không có điện thoại có xu hướng mang theo cục sạc mọi lúc, họ nói, và tránh những địa điểm, chẳng hạn như các rạp phim và máy bay, các nơi mà cấm dùng điện thoại.

Họ liên tục kiểm tra điện thoại, không bao giờ tắt và luôn giữ chúng ở gần vào ban đêm. Nhiều người thích trò chuyện qua điện thoại hơn là nói trực tiếp. Một số có ảo giác về tiếng chuông hay điện thoại rung.

Tính năng của điện thoại thông minh phát triển nhanh đến nỗi các tiêu chuẩn này thay đổi nhưng, nói chung, Bragazzi và Del Puente nói, chứng sợ không có điện thoại là nỗi sợ bệnh lý việc bị mất kết nối về mặt công nghệ.

Bragazzi và Del Puente chỉ ra rằng điện thoại có thể chứa nhiều ý nghĩa cảm xúc khác nhau - nó có thể được dùng như lớp bảo vệ hay khiên chắn, một người bạn tưởng tượng, hay một cách né tránh tương tác xã hội (họ miêu tả rằng điều này là một phần của "nghịch lý công nghệ mới", khi các thiết bị điện tử vừa kết nối vừa cô lập chúng ta).

Nhà nhân học Amber Case lập luận vào năm 2007 rằng điện thoại cho phép ta tồn tại trong một không gian xã hội "trung gian", tại đó ta có thể kiểm soát và điều chỉnh cái tôi trước công chúng của mình.

Bằng cách soạn một tin nhắn văn bản hay đăng một bức ảnh, ta kiểm soát những gì mình thể hiện và nói ra; cuộc điện thoại cũng giấu đi những tín hiệu phi ngôn ngữ như tư thế hay nét mặt.

Một người lo sợ khi không có điện thoại chỉ có thể cảm thấy thoải mái trong thế giới trung gian ấy, và kinh hãi trước việc bộc lộ bản thân ra khi tương tác thật với người khác.

Nhiều người trong chúng ta cảm thấy thiếu thốn khi rời điện thoại. Trong một thí nghiệm tại một trường đại học ở Trung Tây Mỹ năm 2014, 40 người dùng iPhone được yêu cầu dành ra năm phút để chơi trò tìm chữ, và phớt lờ điện thoại khi đang chơi.

Một số trong nhóm bị tách vật lý khỏi điện thoại của mình, đặt chúng vào một cái hộp gần đó, trong khi số khác để điện thoại lên bàn khi thực hiện nhiệm vụ. Mỗi sinh viên thực hiện trò chơi một cách riêng biệt.

Sau ba phút, một nhà nghiên cứu gọi vào điện thoại của sinh viên, sử dụng số điện thoại được cung cấp trong mẫu đăng ký. Mọi người tham gia đều bỏ qua tiếng chuông điện thoại, như họ được chỉ thị, nhưng những sinh viên bị tách khỏi điện thoại có huyết áp và nhịp tim cao hơn hẳn so với những sinh viên để điện thoại trên bàn của họ.

Nhóm bị tách khỏi điện thoại cũng cho thấy khả năng nhận thức bị suy giảm nhiều hơn khi thiết bị reo chuông - họ tìm thấy ít từ trong trò chơi hơn - và có mức độ lo lắng và khó chịu cao hơn.

Các nhà nghiên cứu đặt ra giả thuyết rằng tất cả sinh viên đã đồng nhất bản thân một cách tưởng tượng với chiếc iPhone của họ, vô thức xem chúng là phần mở rộng cơ thể của mình, và những người không thể chạm tới thiết bị cảm thấy lo lắng và bối rối khi bị tách khỏi một phần của bản thân.

Nhưng sự phụ thuộc của chúng ta vào điện thoại đã trở nên lớn đến mức thật khó để phán đoán xem nó đã trở thành nỗi ám ảnh bất thường ở điểm nào.

Trong những năm sau khi thuật ngữ nomophobia được đặt ra, chúng ta đã học cách sử dụng điện thoại để mua sắm, đánh bạc, dàn xếp những cuộc hẹn với người lạ, để được chỉ dẫn lộ trình từ nơi này sang nơi khác, tư vấn với bác sĩ, để được đi vào các câu lạc bộ, rạp phim, máy bay, tàu hỏa, để xem phim, các sự kiện thể thao và chương trình truyền hình, phiên dịch các ngôn ngữ, theo dõi tin tức và thông báo tin của chúng ta, để theo dõi sức khỏe và mức độ hoạt động của chúng ta, đọc sách, điều khiển các thiết bị khác, xác nhận danh tính chúng ta, theo dõi nhà cửa và bạn bè và gia đình từ xa, làm việc.

Nỗi sợ bị tách khỏi các thiết bị di động đã trở thành nỗi lo âu hợp lý hơn là vấn đề bệnh lý.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm