Bị “tố” tiểu thuyết lịch sử có “sex dung tục”: Tác giả Bùi Việt Sỹ nói gì?
(Dân trí) - Cuốn tiểu thuyết lịch sử đoạt giải Sách quốc gia "Chim ưng và chàng đan sọt" đang gây tranh cãi với đoạn tả cảnh quan hệ “dữ dội” giữa nhân vật lịch sử Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy. Bị cho là cảnh ái ân mang tính kích dục, phản cảm, tác giả Bùi Việt Sỹ đã lên tiếng.
"Chim ưng và chàng đan sọt" là cuốn tiểu thuyết lịch sử của tác giả Bùi Việt Sỹ, vừa đoạt giải C hạng mục sách hay tại Giải thưởng Sách quốc gia 2018. Trước đó, cuốn sách lịch sử này cũng đã đoạt giải B (không có giải A) tại cuộc thi viết tiểu thuyết giai đoạn 2011 - 2015 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Cuốn tiểu thuyết lịch sử xoay quanh nhân vật chính Phạm Ngũ Lão - xuất thân từ nông dân trở thành anh hùng. Bên cạnh đó, sách cũng khắc họa chân dung của các nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.
Tuy nhiên, cuốn sách lại vấp phải phản ứng về đoạn mô tả cảnh quan hệ ân ái giữa nhân vật Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy, vợ của Hưng Võ Vương Trần Quốc Nghiễm (con trai cả Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Đoạn tả cảnh quan hệ tình dục này bị cho là dung tục, suồng sã.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, tác giả cuốn sách - nhà văn Bùi Việt Sỹ cho biết, cảnh ân ái của Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy trong cuốn tiểu thuyết không mang tính kích dục. Yếu tố tình cảm nam nữ chỉ điểm xuyết ở một vài trang, chứ không phải nội dung chính thể hiện chủ đề, tư tưởng tác phẩm.
“Tác phẩm không hề dung tục. Những chi tiết miêu tả chân thực chỉ muốn lột tả sự mạnh mẽ của nhân vật Trần Khánh Dư. Và đây chỉ là một vài chi tiết nhỏ điểm xuyết trong cả tổng thể tác phẩm. Hãy đọc và cảm nhận toàn bộ tác phẩm thay vì chỉ tập trung vào một vài chi tiết nhỏ. Nếu chỉ săm soi một vài chi tiết thì theo tôi không thể cảm nhận đầy đủ, chẳng khác nào: thầy bói xem voi!”, nhà văn Bùi Việt Sỹ nói.
Theo nhà văn Bùi Việt Sỹ, ông đã tham khảo các tư liệu lịch sử trước khi viết cuốn sách "Chim ưng và chàng đan sọt”. Nhân vật Trần Khánh Dư được ông xây dựng rất "đời" chứ không khô khan, uy nghi và lý tưởng như trong chính sử. Từ xuất thân của Trần Khánh Dư đến những cuộc tình chớp nhoáng, những mưu mẹo dối gian của nhân vật này cũng được ông mạnh dạn thể hiện. Nhân vật Trần Khánh Dư trong cuốn tiểu thuyết của ông vừa có tài đánh giặc cứu nước vừa là vị tướng “sát gái”, có tài trong chuyện “chăn gối”.
“Tôi rất tâm đắc với câu nói nổi tiếng của A. Dumas là: Lịch sử chỉ là cái đinh để nhà văn treo bức tranh của mình”, tác giả Bùi Việt Sỹ nói.
Nhà văn cũng chia sẻ thêm, nếu ai đã xem bức tượng “Mùa xuân vĩnh cửu” của nhà điêu khắc người Pháp Auguste Rodin sẽ thấy đó là hình ảnh người đàn ông người đàn bà đang giao hoan với nhau. Bức tượng đó được cả thế giới ngưỡng mộ vì thế theo ông, việc viết tiểu thuyết về chuyện “ân ái” là bình thường...
“Đừng nghĩ là tiểu thuyết hiện đại mới nên viết về chuyện ân ái, đời sống riêng tư của nhiều nhân vật ở xã hội trước cũng rất “ăn chơi”, chỉ là các nhà văn ít dám đả động đến. Con người ta không có ai hoàn hảo cả và nên chấp nhận tất cả các mặt tốt xấu của họ”, tác giả bộc bạch.
Ngoài việc giải thích muốn xây dựng nhân vật lịch sử một cách chân thực, sống động nhất; tác giả "Chim ưng và chàng đan sọt" cũng bày tỏ thắc mắc: “Cuốn tiểu thuyết được xuất bản năm 2016. Từ đó đến nay không ai có ý kiến gì, vậy mà sau khi cuốn sách đoạt giải C hạng mục sách hay thì lại có những ý kiến trái chiều? Tôi nghĩ có người cố tình bôi nhọ mình”.
Trước ý kiến thể hiện sự lo ngại của một số phụ huynh về việc con em tiếp cận tác phẩm lịch sử sẽ suy nghĩ sai lệch về nhân vật lịch sử, tác giả Bùi Việt Sỹ thẳng thắn nói: “ Trẻ con thời nay hư là do tiếp cận sớm và bừa bãi với các yếu tố “nhạy cảm” qua mạng internet chứ không phải vì đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử như… "Chim ưng và chàng đan sọt”!?
Nguyễn Hằng