Anh Thơ phản ứng khi bị cho hát nhạc sến là “dại dột”
(Dân trí) - Phản ứng trước việc chuyển từ hát những ca khúc mang âm hưởng dân gian sang dòng nhạc sến là “dại dột”, giọng ca xứ Thanh cho rằng, nhạc không có cao thấp, sang hèn. Dòng nào cũng có khán giả của họ và những gì tồn tại đều có lý của nó.
Anh Thơ là một giọng hát ngọt ngào của dòng nhạc mang âm hưởng dân gian. Những ca khúc của chị từng làm say đắm bao người yêu nhạc thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Vì lẽ đó, khi chị “đá” sang hát nhạc Bolero đã có nhiều người “lên án” chị “dại dột”. Phản ứng trước điều này, giọng ca xứ Thanh cho rằng, nhạc không có cao thấp, sang hèn. Dòng nào cũng có khán giả của họ và những gì tồn tại đều có lý của nó.
“Bolero là tiếng nói chân thật nhất của con người, có thể là sướt mướt nhưng đó là tâm trạng thật của họ trong hoàn cảnh như thế. Nếu ai đánh giá thấp Bolero, coi nó là nhạc sến là sai, âm nhạc dù giai điệu này, giai điệu kia đều có chỗ đứng của nó, đều là tiếng nói từ tâm hồn, và dễ dàng đi tới trái tim khán giả, tìm được sự đồng cảm với rất nhiều người”, Anh Thơ nói.
Giải thích về việc đang là sao hàng đầu của dòng nhạc trữ tình quê hương lại lấn sân sang Bolero, Anh Thơ cười giải thích: "Bolero phải hát rất tình và rất đời. Nếu ngay từ đầu, mới tốt nghiệp trường Học viện Âm nhạc mà theo đuổi Bolero thì không hợp lý, phải có một quá trình diễn, trải nghiệm, chiêm nghiệm cuộc sống. Tôi đã tích lũy đủ để hát chân thành, da diết, đúng với dòng nhạc này nhất. Hơn nữa, tôi thích nên tham gia chứ không phải là chuyển sang hát bolero vì khán giả vẫn yêu mến tôi với dòng nhạc quê hương đất nước”.
Khi Anh Thơ mới phát hành đĩa nhạc vàng đầu tiên, vài ý kiến cho rằng, chị hát cứng. Trong lần song ca cùng Chế Linh ở Hà Nội, chị cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, Anh Thơ không buồn. Chị chia sẻ: “Tất nhiên sẽ có người không thích mình, những lời góp ý của họ mình phải lắng nghe để đánh giá, hoàn thiện bản thân nhưng mình phải tự đi con đường của mình, không thể đẽo cày giữa đường vì khán giả không đi hộ mình được”.
Quan điểm này của Anh Thơ rất giống với tâm niệm của danh ca Chế Linh. Chế Linh từng rất buồn khi nhạc vàng bị đánh giá sai, bị cho rằng "sến", làm hỏng thế hệ trẻ. Theo ông, nếu âm nhạc là lời nói cất lên từ trái tim thì bolero chính là tiếng nói tình cảm nhất. Nó chan chứa, không bóng bẩy, đi thẳng vào lòng người nghe. Ở cả cương vị ca sĩ Chế Linh hay nhạc sĩ Tú Nhi, ông đều muốn chứng tỏ những giá trị của Bolero và muốn truyền nó tới thế hệ sau.
Vài năm gần đây, Việt Nam thịnh hành các gameshow về Bolero. Theo Chế Linh đây là điều đáng mừng bởi nó chứng tỏ nhạc vàng vẫn có chỗ đứng và vẫn có người muốn duy trì. Tuy nhiên, các chương trình này đều ít nhiều gây tranh cãi bởi những pha trộn, những cách mà nhà tổ chức sử dụng để lôi kéo khán giả. Vốn là người kín tiếng, Chế Linh không muốn gây tranh cãi bằng những tuyên ngôn - dù ông đang được xem là người tiêu biểu nhất của dòng nhạc vàng. Thay vào đó, Chế Linh muốn khán giả tự cảm nhận qua những show diễn mà ông dày công chuẩn bị.
Bước vào tuổi 75, Chế Linh lo lắng không biết mình còn bao nhiêu cơ hội để làm liveshow cho khán giả Hà Nội nữa. Bởi vậy, khi đang sung sức, ông muốn được cống hiến từng phút để đáp lại tình cảm yêu thương của khán giả.
Là giọng ca miền Bắc duy nhất hát cùng Chế Linh nhưng Anh Thơ không hề lo lắng. “Tôi là người có tên tuổi, hát sang dòng Bolero không phải lần đầu tiên. Tôi có cách hát, cách thể hiện riêng không cần so sánh với người khác vì đấy mới là bản ngã của tôi” – giọng ca sinh năm 1976 trải lòng.
Chị khẳng định nghe rất nhiều nghệ sĩ, không bị ảnh hưởng bởi riêng ai. Với nhạc đỏ, nhạc quê hương đất nước, Anh Thơ nghe các đàn anh đàn chị như: Quang Thọ, Trung Đức, Thu Hiền, với Bolero, chị nghe Chế Linh, Tuấn Vũ, Sơn Tuyền, Ngọc Sơn, Hương Lan… Nhưng chị vẫn tạo ra được chất riêng của mình.
Hà Tùng Long