Sinh viên dự thi "hành động thúc đẩy bình đẳng giới"

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức cuộc thi "Thanh niên hành động thúc đẩy bình đẳng giới".

Cuộc thi giúp sinh viên có cơ hội thể hiện sự hiểu biết, kiến thức về bình đẳng giới và cùng lan tỏa thông điệp của chương trình tới các bạn đoàn viên, thanh niên trên mạng xã hội. 

Cuộc thi "Thanh niên hành động thúc đẩy bình đẳng giới 2023" được Học viện Phụ nữ tổ chức nhân kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, với sự tham gia của 10 đội thi.

Sinh viên dự thi hành động thúc đẩy bình đẳng giới - 1

Sinh viên truyền thông đa phương tiện tham gia cuộc thi (Ảnh: Ngọc Quỳnh).

Nội dung của cuộc thi gồm các chủ đề liên quan đến bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; thanh niên tham gia giảm thiểu định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới; hệ thống các văn bản pháp luật về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới của nước ta; công ước quốc tế về bình đẳng giới; sự kiện và nhân vật lịch sử và đương đại đóng góp cho công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam.

Theo ban tổ chức, cuộc thi nhằm nâng cao trách nhiệm của sinh viên trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Đặc biệt, sau khi tham gia, mỗi sinh viên sẽ là những kênh tuyên truyền sâu rộng tới cộng đồng xã hội về bình đẳng giới, qua đó giúp cho mỗi người thay đổi nhận thức về cách phòng ngừa ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, góp phần xóa bỏ tư tưởng "trọng nam hơn nữ".

Kết quả, giải nhất cuộc thi thuộc về sinh viên ngành tâm lý; giải nhì thuộc về sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện; giải ba là sinh viên ngành quản trị kinh doanh; hai giải khuyến khích thuộc về sinh viên ngành kinh tế, ngành giới và phát triển.

Theo TS Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là điểm nhấn, tạo nên chiến dịch truyền thông vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi toàn quốc.

Qua chiến dịch, sẽ thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Sinh viên dự thi hành động thúc đẩy bình đẳng giới - 2

Không thể có phát triển bền vững nếu như không tiến bộ về bình đẳng giới (Ảnh: Ngọc Quỳnh).

"Hơn ai hết, sinh viên học viện hiểu được giá trị của bình đẳng, phát triển đối với mỗi con người, mỗi hộ gia đình và cộng đồng xã hội.

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh, không thể có phát triển bền vững nếu như không tiến bộ về bình đẳng giới.

Bình đẳng giới đã trở thành giá trị quan trọng, là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy một xã hội công bằng, giàu mạnh và văn minh", TS Dương Kim Anh nói.

Phó Giám đốc Học viện cũng cho rằng, mỗi thông điệp sẽ mang một ý nghĩa quan trọng, góp phần mang lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho mọi người; góp phần xoa dịu vết thương, những nỗi đau mà hàng triệu phụ nữ, và trẻ em gái trên khắp thế giới đang phải gánh chịu do hậu quả của bạo lực trên cơ sở giới.

Theo một số chuyên gia, bình đẳng giới không chỉ để giải phóng phụ nữ, mà còn là giải phóng đàn ông. Khi quá đề cao nam giới và hạ thấp nữ giới, không chỉ có nữ giới bị ảnh hưởng mà nam giới cũng bị ảnh hưởng theo.

Chẳng hạn, quan niệm nam giới phải mạnh mẽ, không được khóc, không được thể hiện cảm xúc là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tỷ lệ tự tử ở nam cao hơn nữ giới, tuổi thọ cũng ngắn hơn.

Rất nhiều nam giới bị rối loạn tâm lý nhưng không dám đi khám hay chữa hoặc tìm đến sự giúp đỡ vì họ sợ bị dị nghị là "yếu ớt" hay "thiếu nam tính". Chưa kể, nếu họ có theo đuổi các ngành nghệ thuật thì sẽ bị miệt thị và nói là "yếu đuối", "đàn bà"…