Bình Phước tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo

Phạm Diện

(Dân trí) - Theo kế hoạch UBND tỉnh Bình Phước ban hành, tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.

UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện việc tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 65% các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Bình Phước tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo - 1

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra ngày 1-3/10/2020. Đại hội có 79 đại biểu là nữ, chiếm gần 22,6% tổng số đại biểu dự Đại hội. Đại hội đã sáng suốt lựa chọn và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 53 đồng chí, trong đó có 16 ủy viên đảng bộ là nữ, chiếm tỷ lệ 28,3% (Ảnh: Binhphuoc.gov.vn).

Đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù có tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thấp dưới 30% có thể điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị.

Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đạt 75% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030. Ở những địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, phải có cán bộ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân cư.

Để đạt mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác cán bộ nữ; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ gắn với quy hoạch, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp.

Về truyền thông cần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ trong thời kỳ mới; tăng cường truyền thông về trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu; tăng cường hợp tác quốc tế về sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý thông qua trao đổi, học tập kinh nghiệm...

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ hàng năm hoặc đột xuất tại các cơ quan, đơn vị và địa phương đối với việc thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và các chính sách về công tác cán bộ nữ; thực hiện thống kê theo cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.