Vì sao vẫn còn suy nghĩ chăm sóc gia đình, con cái là nhiệm vụ của phụ nữ?

Loan Tô

(Dân trí) - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Pà Vầy Sủ, huyện Xí Mần, tỉnh Hà Giang, nói nhiều người nơi đây vẫn nghĩ chăm sóc gia đình, con cái là của phụ nữ, đàn ông không chung tay vì chỉ gánh vác việc lớn.

Là một xã biên giới với 90% là đồng bào người H'Mông, nhiều năm nay xã Pà Vầy Sủ thường xuyên xảy ra các vấn đề nổi cộm về bất bình đẳng giới. Trong đó, nam giới thường tham gia các hoạt động xã hội chính trị khi phụ nữ phải đảm đương toàn bộ việc nhà. Người phụ nữ mặc định nhiệm vụ chăm sóc gia đình, con cái là của bản thân và đàn ông không chung tay giúp đỡ vì cho rằng bản thân chỉ gánh vác việc lớn, tạo nên sự thiệt thòi lớn giữa 2 giới.

Vì vậy, dù các chi hội phụ nữ đã được thành lập ở mỗi thôn, thế nhưng cán bộ không thể vận động chị em tham gia vì chồng không cho phép.

"Câu chuyện trên là tình hình chung ở địa bàn miền núi, và đặc thù hơn đối với xã biên giới khi tỷ lệ phụ nữ không biết chữ cao. Chị em chưa bao giờ biết đó là sự bất bình đẳng giới mà mặc định là chuyện hiển nhiên", chị Vũ Thị Mận (Chủ tịch Hội Phụ nữ của xã Pà Vầy Sủ) nói.

Vì sao vẫn còn suy nghĩ chăm sóc gia đình, con cái là nhiệm vụ của phụ nữ? - 1

Xã Pà Vầy Sủ thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, tuyên truyền về bất bình đẳng giới (Ảnh: Vũ Thị Mận).

Trước trăn trở trên, khi đảm nhiệm vị trí cán bộ hội phụ nữ, chị Mận đã tích cực tổ chức các chương trình, hoạt động tuyên truyền, hội thi phòng chống bạo lực gia đình, hội thảo về khuôn mẫu giới, việc nhà cho nam giới và phụ nữ tìm hiểu.

Ban đầu, hầu hết phụ nữ H'Mông còn e dè, nhưng sau một thời gian đã trở nên mạnh dạn, nhiệt tình tham gia. Đặc biệt, vào trung tuần tháng 11 vừa qua, 16 đội thi các xã, thị trấn và huyện Hà Giang đã sôi nổi, chuẩn bị chu đáo về đạo cụ để tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, các hủ tục và phong tục tập quán lạc hậu.

Vì sao vẫn còn suy nghĩ chăm sóc gia đình, con cái là nhiệm vụ của phụ nữ? - 2

Cán bộ đến tận nhà để tuyên truyền cho chị em phụ nữ người H'Mông hiểu hơn (Ảnh: Vũ Thị Mận).

Chị Vũ Thị Mận cho biết, thông qua việc tuyên truyền, cuộc thi đã nâng cao rất nhiều bất bình đẳng giới.

"Trước đây người dân nghe nhưng chưa hiểu, hình dung như thế nào là bất bình đẳng giới. Giờ đây, thông qua phần thi, họ nhận ra được bấy lâu nay nó tồn tại ở gia đình mình. Ngoài phụ nữ, cả đàn ông cũng suy nghĩ nhiều hơn về bất bình đẳng, tiếp cận khuôn mẫu giới, việc nhà và bạo lực gia đình", chị Mận chia sẻ.

Kết thúc cuộc thi, đội thi xã Pà Vầy Sủ (huyện Xí Mần, tỉnh Hà Giang) giành được giải nhì, mang đến niềm vui cho phụ nữ tại xã.