1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Ukraine thành "điểm nóng" trong quan hệ giữa Nga và phương Tây?

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine đã trở thành "điểm nóng" trong mối quan hệ của Điện Kremlin với phương Tây, khi Nga tập trung quân gần biên giới còn NATO sẵn sàng ứng phó trong trường hợp Moscow động binh với láng giềng.

Vì sao Ukraine thành điểm nóng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Moscow Times).

Tầm ảnh hưởng của Nga "phủ bóng" rất lớn ở Ukraine, đặc biệt ở khu đô thị, công nghiệp phía đông, nơi tiếng Nga là ngôn ngữ chính được sử dụng ở nhiều quận dọc biên giới Ukraine cũng như ở bán đảo Crimea phía nam.

Vào tháng 6/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga và Ukraine là một dân tộc cùng chia sẻ "không gian lịch sử và tinh thần chung", đồng thời cho rằng sự xuất hiện của một "bức tường" giữa hai nước trong những năm gần đây là một bi kịch. Ukraine đã bác bỏ lập luận này của nhà lãnh đạo Nga.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO đã mở rộng về phía đông bằng cách tiếp nhận 14 thành viên mới, bao gồm các quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Warsaw trước đây và 3 quốc gia Baltic từng thuộc Liên Xô. Nga coi đây là động thái đe dọa biên giới nước này, đồng thời cho rằng đó là sự phản bội lời hứa của phương Tây vào đầu những năm 1990 - điều mà Mỹ và các đồng minh phủ nhận.

"Lằn ranh đỏ" của Nga

Ukraine không phải là thành viên NATO nhưng từ lâu đã bày tỏ mong muốn gia nhập liên minh quân sự này. Ukraine ngày càng gần gũi hơn về mặt chính trị với phương Tây, tổ chức các cuộc tập trận chung với NATO và tiếp nhận các loại vũ khí gồm tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ và máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ. Kiev và Washington coi đây là những động thái hợp pháp nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine, sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và Moscow được cho là hỗ trợ lực lượng ly khai giao tranh với lực lượng chính phủ ở miền đông Ukraine.

Tổng thống Putin lo ngại rằng mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Ukraine và phương Tây có thể biến Ukraine thành "bệ phóng" tiềm năng cho các tên lửa NATO nhắm vào Nga, đồng thời tiếp thêm động lực cho những người Nga có quan điểm thân phương Tây và chống lại Moscow. Viễn cảnh NATO kết nạp Ukraine là thành viên của khối hoặc là nơi đồn trú cho các vũ khí của NATO để đe dọa Nga là "lằn ranh đỏ" đối với Moscow.

Nga cho đến nay vẫn mong muốn có sự đảm bảo an ninh từ phương Tây, bao gồm việc yêu cầu NATO không cho phép Ukraine gia nhập. Tháng trước, Nga đã đưa ra một loạt đề xuất an ninh, trong đó yêu cầu Mỹ và các nước thành viên NATO cam kết từ bỏ chiến lược "Đông tiến". Tuy nhiên, phương Tây cho đến nay tiếp tục bác bỏ đề xuất đó. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 26/1 tuyên bố NATO "sẽ không thỏa hiệp" về chính sách mở rộng về phía đông, bởi điều đó mâu thuẫn với "nguyên tắc cốt lõi" của khối.

Sự xoay trục về phương Tây của Ukraine được thể hiện rõ trong hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của nước này. Nga hiện chỉ chiếm 8% trong hoạt động thương mại quốc tế của Ukraine, trong khi đó với Liên minh châu Âu, con số này đã tăng lên 42%.

Ukraine là quốc gia lớn thứ hai ở châu Âu sau Nga, có các cảng chính trên Biển Đen và có chung biên giới với 4 quốc gia NATO. Đây là nước xuất khẩu ngô và lúa mì lớn. Khoảng 1/3 lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu phụ thuộc vào Nga và một trong những đường ống chính đi qua Ukraine - tạo đòn bẩy cho Moscow trong bất kỳ tranh chấp nào với phương Tây.

Tính toán của Tổng thống Putin

Vì sao Ukraine thành điểm nóng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây? - 2

Quân đội Nga tập trận gần biên giới Ukraine ngày 26/1 (Ảnh: Reuters).

Mỹ và phương Tây gần đây cáo buộc Nga đưa hơn 100.000 binh sĩ và khí tài đến sát biên giới Ukraine và có thể đang chuẩn bị cho hành động quân sự đối với nước láng giềng. Tổng thống Joe Biden hôm 18/1 cho biết, ông tin rằng Nga có thể "động binh" với Ukraine bất cứ lúc nào. 

Tuy nhiên, Nga nhiều lần khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine như cáo buộc của phương Tây và việc luân chuyển lực lượng trong lãnh thổ là hoàn toàn bình thường.

Không ai có thể chắc chắn về động thái tiếp theo của Nga, nhưng các nhà phân tích cho rằng một cuộc chiến ở Ukraine sẽ gây thiệt hại cho cả hai nước.

Theo giới phân tích quân sự phương Tây, quân đội Ukraine hiện nay được huấn luyện và trang bị tốt hơn so với năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea, và có động lực lớn để bảo vệ lãnh thổ.

Ở thời điểm này, phương Tây vẫn đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt cứng rắn nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh cũng vẫn theo đuổi các cuộc đàm phán ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng đang leo thang.

Tổng thống Putin, người từng gọi sự tan rã của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ, đã dành cả nhiệm kỳ tổng thống của mình để khôi phục ảnh hưởng của Nga trong toàn bộ không gian hậu Xô Viết, thách thức phương Tây và cố gắng khẳng định vị thế của Nga như một cường quốc toàn cầu.

Việc để cho thế giới phải "đoán già đoán non" về khả năng xảy ra một cuộc động binh của Nga vào Ukraine dường như nhằm phục vụ cho mục tiêu trên của Tổng thống Putin. Tình thế hiện nay buộc phương Tây và nhiều nước phải đặt các yêu cầu về an ninh của Nga lên hàng đầu trong chương trình nghị sự và buộc Tổng thống Joe Biden phải tiếp tục đàm phán với Tổng thống Putin, mặc dù Nga cũng nhận được cảnh báo của phương Tây về các biện pháp trừng phạt cứng rắn nếu có hành động quân sự với Ukraine.

Theo www.reuters.com