1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao IS chọn cách chặt đầu con tin?

Đúng là các vụ chặt đầu nhằm để thách thức và kích động công chúng phương Tây, nhưng đó chỉ là lợi ích thứ yếu của ISIL.

Trước tháng 6/2014, hầu hết người Mỹ không biết đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Lực lượng vũ trang tàn bạo này, còn được biết đến dưới cái tên ISIL, đã trở thành tâm điểm truyền thông quốc tế sau khi chiếm đóng Mosul cũng như nhiều khu vực có đa số người Sunni khác tại Iraq và Syria vào hè qua.

Sự tàn bạo của ISIL đã leo lên một bước mới vào tháng Tám, khi nhóm này chặt đầu hai nhà báo người Mỹ James Foley và Steven Sotloff, cùng với nhân viên hỗ trợ nhân đạo người Anh David Haines. Vào 3/10 vừa qua, ISIL chặt đầu một nhân viên nhân đạo người Anh khác, Alan Henning.

Những hành động này đã gây ra phản ứng dữ dội cũng như kéo theo sự chú ý đặc biệt từ công chúng, với nhiều người Mỹ biết đến vụ hành hình nhà báo Foley hơn "bất cứ tin tức chính yếu nào trong 5 năm qua", một khảo sát gần đây của NBC News/Wall Street Journal cho biết.

Điều tra dư luận cho thấy gần 60% người Mỹ ủng hộ can thiệp quân sự tại Iraq và Syria, tăng gần gấp đôi từ ngưỡng 36-39% vào cuối tháng Sáu. Rõ ràng, những vụ sát hại kể trên đã khiến người Mỹ và chính phủ Mỹ rất giận dữ.

Những hành vi man rợ đó thách thức lương tri của bất kì ai, và nó cũng khiến người ta đặt ra các giả thuyết về động cơ của ISIL, cũng như kế hoạch của nhóm này. Tuy thế, nhiều suy đoán không hề đúng.

Phỏng đoán chung là những vụ cắt đầu này chỉ nhằm khiêu khích phương Tây. Nhưng quá khứ cho thấy cắt đầu con tin là một kế hoạch có chủ đích nhằm cải thiện khả năng tuyển quân, cũng như xây dựng sức mạnh quân sự để chống lại kẻ thù tại Iraq và Syria. Đây là kế hoạch thực hiện thành công bởi Abu Musab al-Zarqawi, sáng lập viên của al Qaeda tại Iraq, tổ chức tiền thân của ISIL, khi nhóm này đã chặt đầu một người Mỹ, Nick Berg, vào năm 2004.

ISIL đang rất cần thêm quân để tăng cường lực lượng chiến đấu hiện mới chỉ có tối đa 30 nghìn thành viên, vốn ít hơn nhiều so với đội quân Peshmerga của người Kurd, lực lượng chính phủ Iraq và Syria, thâm chí là cả các lực lượng Sunni đối lập. Rõ ràng ISIL đang bị vây quanh bởi kẻ thù có sức mạnh lớn hơn, trong khi phe này mong muốn gây dựng một nhà nước Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq và Syria.

Vụ hành hình nhà báo người Mỹ James Foley gây bàng hoàng cho cả thế giới. Ảnh: Leaksource.info
Vụ hành hình nhà báo người Mỹ James Foley gây bàng hoàng cho cả thế giới. Ảnh: Leaksource.info
Phô trương

ISIL chặt đầu con tin phương Tây chỉ bởi một từ: tiếng tăm. Hành động man rợ đó khiến nhóm này nhanh chóng trở thành kẻ thách thức lớn nhất cho "kẻ thù truyền kiếp" của đạo Hồi.

Nó cho phép ISIL hút được một lượng lớn quân số tình nguyện nhập ngũ, với nhiều kẻ có tâm lý chống Mỹ, mà nhóm này đang rất cần trong cuộc chiến xây dựng nhà nước Hồi giáo.

Đúng là các vụ cắt đầu nhằm để thách thức và kích động công chúng phương Tây, nhưng đó chỉ là lợi ích thứ yếu của ISIL. Trọng tâm của chúng vẫn là đánh bại kẻ thù trên thực địa trước.

Nhiều chứng cứ khác cho thấy ISIL đang phân bổ nguồn lực để thực hiện mục đích trong khu vực, thay vì toàn cầu. ISIL đã tiến hành hơn 100 vụ đánh bom cảm tử tại Iraq, Syria, và Lebanon. Với 30 nghìn quân, bao gồm cả 2.000 người phương Tây tự nguyện tham gia, nhóm này có đủ khả năng để sát hại dân thường ở phương Tây. Tuy thế, đến cuối tháng Tám, Hoa Kỳ vẫn "chưa có đe dọa cụ thể nào về an ninh" liên quan đến ISIL.

Thêm vào đó, những video "tử sĩ" của ISIL (để tưởng niệm thành viên thiệt mạng và là công cụ tuyển quân chủ yếu) cho thấy chiến binh ISIL người phương Tây đốt hộ chiếu trước khi tham gia các chiến dịch khiến họ bỏ mạng tại Iraq và Syria. ISIL có vẻ như chưa từng lên kế hoạch cho những người này trở về phương Tây để tiến hành khủng bố. FBI  thậm chí còn lo ngại về một thành viên nhỏ của al Qaeda (nhóm Khorasan) tiến hành khủng bố ở phương Tây hơn là ISIL.

Chiến lược đối phó nào cho Mỹ?

Vì những lý do này, Washington có lẽ nên thận trọng. Những đợt không kích lớn hoặc sử dụng vũ lực mạnh tay có thể dẫn đến cái chết của nhiều dân thường vô tội, và sẽ làm tăng tâm lý chống Mỹ mà ISIL đang muốn gây dựng và khai thác.

Nếu Mỹ và đồng minh trong khu vực có thể không kích những mục tiêu được chọn lựa kĩ lưỡng, đồng thời tăng cường sức mạnh cho phe Sunni chống lại ISIL trên mặt đất, ISIL sẽ bị cô lập trong cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni. Hoa Kỳ đã từng áp dụng thành công chiến lược này vào năm 2006 ở tỉnh Anbar thuộc Iraq, từ đó vô hiệu hóa al Qaeda ở nước này.

Một chiến lược quá mạnh tay có thể có tác hại khôn lường, bởi có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy người Hồi giáo cũng phản đối ISIL. Đó không chỉ là hiện tượng ở các nước phương Tây: tâm lý chống ISIL tăng mạnh giữa các bộ lạc Sunni sau hàng tháng bị nhóm này thống trị, và một số đã bắt đầu gây dựng lực lượng vũ trang chống ISIL, đúng như những gì Hoa Kỳ mong đợi.

Những gì mà ISIL có được từ việc cắt đầu con tin, trớ trêu thay, chính là hạt giống cho sự hủy diệt của lực lượng này.

Vấn đề là chiến lược này đã không được hiểu rõ ở phương Tây. Thay vì đó, phương Tây được bảo rằng ISIL là một nhóm khủng bố tôn giáo, và việc tấn công dân thường phương Tây là ưu tiên số một của chúng. ISIL chiêu mộ chiến binh nước ngoài từ phương Tây và các quốc gia khác, đào tạo thành viên mới để giết thường dân ở các nước thù địch như Hoa Kỳ.

Một số còn coi ISIL là "lũ mọi rợ quỷ dữ", sẵn sàng tấn công thường dân một cách bừa bãi và căm ghét phương Tây tận xương tủy.

Việc sử dụng các ngôn từ đạo đức kiểu "tốt đối đầu với xấu" càng khuếch đại cách nhìn lệch lạc ở Mỹ về tôn giáo và bạo lực, với việc 42% người Mỹ vào năm 2013 cho rằng "đạo Hồi bạo lực hơn các tôn giáo khác".

Người Mỹ có thể nghĩ rằng ISIL, với phương cách tàn bạo và độc ác của mình, có lẽ có quan điểm về đạo đức khác biệt. Thành viên của nhóm này chắc hẳn đã hiểu đạo Hồi theo một cách cực đoan. Và rồi họ sẽ nghĩ: cách hiểu đạo Hồi của ISIL có lẽ đã kích động hành vi bạo lực của nhóm này, và việc cắt đầu con tin, vốn là hình thức tử hình được chấp nhận dưới luật Sharia của đạo Hồi, là biểu trưng cho lòng sùng đạo.

Vấn đề duy nhất của cách hiểu này là hầu như không có chứng cứ nào cho sự tồn tại của các động cơ tôn giáo phía sau logic bạo lực của ISIL.

Trong hơn một thập niên, dự án Chicago về An ninh và Khủng bố (CPOST) đã nghiên cứu tất cả các vụ đánh bom cảm tử trên thế giới kể từ năm 1982 ở Afghanistan, Ấn Độ, Iraq, Israel... Kết luận của nghiên cứu này, vốn là cách quan trọng để đánh giá động cơ và hành vi của ISIL, cho thấy hầu hết các vụ đánh bom cảm từ đều mang tính chính trị, ngay cả với các tổ chức vũ trang tôn giáo như ISIL.

Vậy mục tiêu chính trị của ISIL là gì? Là một nhóm vũ trang Sunni, ISIL chủ yếu muốn thành lập một quốc gia cho người Sunni ở Iraq và Syria. Để đạt được mục tiêu này, ISIL muốn đánh bại chính phủ hai quốc gia trên và chấm dứt cái mà ISIL tin là việc chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ của người Sunni.

Vì thế, ISIL tấn công mục tiêu kiểm soát bởi chính quyền Shia, như đồn cảnh sát hay căn cứ quân sự, và kiểm soát tài nguyên như nguồn nước và dầu mỏ khi nhóm này củng cố quyền lực để xây dựng một nhà nước của riêng chúng.

Theo Khắc Giang
Vietnamnet
 
* Tác giả bài viết, Robert A. Pape, là giáo sư ngành Khoa học chính trị tại Đại học Chicago và là giám đốc Dự án Chicago về An ninh và Khủng bố (CPOST).