1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Đức trì hoãn chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine?

Thanh Thành

(Dân trí) - Báo Wall Street Journal cho biết, Đức đang hoãn vận chuyển tên lửa hành trình Taurus có độ chính xác cao tới Ukraine do lo ngại nguy cơ về một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

Vì sao Đức trì hoãn chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine? - 1

Tên lửa Taurus của Đức (Ảnh: Defence).

Theo nguồn tin trên, Berlin có những lo ngại rằng phía Ukraine sẽ yêu cầu các kỹ thuật viên Đức hoạt động trên thực địa, điều mà một số quan chức lo ngại có thể kéo Berlin đến gần một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

"Chính phủ Đức nhìn chung đã chấp thuận việc chuyển giao Taurus, nhưng Thủ tướng Olaf Scholz đình chỉ hoạt động này do lo ngại nhân viên Đức sẽ phải tới Ukraine để giúp bảo trì và vận hành loại vũ khí tinh vi này", nguồn tin nêu rõ.

Theo các quan chức, Thủ tướng Scholz nói rằng, việc di chuyển quân nhân đến vùng chiến sự sẽ cần phải được thông quan tại một cuộc bỏ phiếu của quốc hội. Vì ông lo ngại, sự hiện diện của các chuyên gia quân sự Đức trong khu vực chiến đấu có thể kéo Berlin vào sâu hơn trong cuộc xung đột, gây ra đối đầu trực tiếp với Nga.

Người phát ngôn của Thủ tướng Scholz cho biết hiện chưa có kế hoạch chuyển giao tên lửa Taurus ngay lập tức nhưng các nguồn tin lưu ý rằng, việc gửi tên lửa vẫn có thể được phê duyệt nếu Mỹ gửi vũ khí tương đương cho Ukraine.

Theo các nguồn tin, ngay cả khi tên lửa được chuyển giao cho Ukraine trong tương lai gần, vấn đề lớn hơn nữa sẽ là thời gian huấn luyện kéo dài bao lâu để quân đội Ukraine có thể sử dụng chúng chính xác và hiệu quả.

Vấn đề này đã được thảo luận ở Đức trong vài tháng qua khi Kiev cần những vũ khí như vậy để phản công chống lại Nga. Vũ khí của Đức sẽ giúp bổ sung kho tên lửa tầm xa đang cạn kiệt của Ukraine khi nước này tìm cách tăng cường cuộc phản công đang chậm chạp bằng các cuộc tấn công phẫu thuật vào các tuyến đường sắt, kho đạn dược và trung tâm chỉ huy sâu vào lãnh thổ do Moscow kiểm soát.

Trước đó, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức, ông Boris Pistorius, công bố khả năng giải quyết nhanh chóng vấn đề chuyển tên lửa Taurus sang Kiev nhưng nay lại bị Thủ tướng Scholz đình chỉ.

Taurus là phiên bản Đức của tên lửa Storm Shadow và Scalp mà Anh và Pháp đã gửi tới Ukraine. Tên lửa được thiết kế để phá hủy các công trình và cơ sở hạ tầng được gia cố như cầu Kerch, tuyến đường duy nhất nối Bán đảo Crimea với vùng lãnh thổ Nga.                 

Trong khi đó, một số nghị sĩ Đức đã kêu gọi chính phủ cần nhanh chóng gửi tên lửa này cho Ukraine nếu không muốn xung đột kéo dài.

"Thủ tướng phải chấm dứt phong tỏa việc giao Taurus. Sự do dự và những lời bào chữa mang tính kỹ thuật chỉ góp phần củng cố niềm tin Nga sẽ giành chiến thắng, và điều này chỉ càng kéo dài cuộc chiến", nghị sĩ cấp cao Anton Hofreiter của đảng Xanh nhận định.

Theo Wall Street Journal