1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Uy lực vũ khí có thể "thay đổi cuộc chơi" Mỹ sắp cấp cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ quyết định cung cấp cho Ukraine các hệ thống pháo phản lực tầm trung để giúp Ukraine, trong bối cảnh Kiev đang gặp khó trước hỏa lực vượt trội của Nga ở chiến trường miền Đông.

Uy lực vũ khí có thể thay đổi cuộc chơi Mỹ sắp cấp cho Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AFP).

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/5 tuyên bố Washington sẽ cung cấp các loại pháo tầm trung tiên tiến cho Ukraine để nhắm vào các "mục tiêu quan trọng" trên chiến trường. Một số quan chức Mỹ tiết lộ đó là hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) M142.

"Chúng ta phải nhanh chóng gửi một lượng đáng kể vũ khí và đạn dược cho Ukraine để họ chiến đấu và ở vị thế mạnh nhất có thể trên bàn đàm phán. Đó là lý do vì sao tôi quyết định sẽ cung cấp cho Ukraine thêm hệ thống pháo tiên tiến và đạn dược", chủ nhân Nhà Trắng cho biết.

Tuy nhiên, ông Biden nhấn mạnh, Washington sẽ không gửi cho Kiev những vũ khí để tấn công vào lãnh thổ Nga vì Mỹ không muốn xảy ra xung đột giữa Nga và NATO trừ khi đồng minh bị tấn công. 

Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ giới chức Mỹ nói rằng, Washington sẽ chuyển cho Ukraine các hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS M142 có tầm bắn đến 80km. "Những hệ thống pháo này sẽ được Ukraine dùng để đẩy lùi đà tiến công của Nga trên lãnh thổ Ukraine, nhưng sẽ không được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga", nguồn tin cho hay.

Các hệ thống pháo trên được cho là nằm trong gói hỗ trợ vũ khí cho Ukraine trị giá 700 triệu USD mà Mỹ dự kiến công bố hôm nay 1/6. Gói viện trợ này sẽ bao gồm đạn dược, hệ thống radar, tên lửa Javelin và một số vũ khí chống tăng khác.

Uy lực vũ khí có thể thay đổi cuộc chơi Mỹ sắp cấp cho Ukraine - 2

Một hệ thống pháo HIMARS (Ảnh: AP).

Cả quân đội Nga và Ukraine đều sở hữu pháo phản lực phóng loạt nhưng HIMARS được đánh giá có tầm bắn xa và độ chính xác cao.

M142 HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp M270 MLRS. Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành ba người, có thể mang 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227 mm với tầm bắn 70-80km hoặc một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 300 km.
Quân đội Mỹ đã triển khai một số hệ thống HIMARS ở châu Âu và các đồng minh NATO gồm Ba Lan và Romania cũng sở hữu các hệ thống này. Hiện chưa rõ Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine bao nhiêu tổ hợp HIMARS.

Nếu được trang bị hệ thống pháo HIMARS, quân đội Ukraine có thể tấn công vượt các phòng tuyến của Nga, hơn nữa, tác chiến ở khoảng cách xa hơn cũng giúp Kiev hạn chế thương vong từ các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa của Moscow.

Các tên lửa dẫn đường từ 6 ống phóng của HIMARS có tầm bắn gấp đôi của lựu pháo M777 mà Mỹ mới cấp cho Ukraine. Đặc điểm này giúp nó có thể triển khai ở vị trí ngoài tầm hoạt động của pháo Nga, mặt khác có thể đe dọa các tổ hợp của Nga. Ngoài ra, nó cũng đe dọa các kho hậu cần của Moscow trong bối cảnh phương Tây tin rằng lực lượng của Nga đang đối mặt với một số vấn đề hậu cần.

Một số nhà phân tích cho rằng, HIMARS có thể là "vũ khí thay đổi cuộc chơi" ở thời điểm lực lượng Ukraine đang chật vật đối phó hỏa lực của Nga ở miền Đông. Trong khi đó, số khác cho rằng, HIMARS khó xoay chuyển cục diện cuộc xung đột đã bước sang tháng thứ 4, trừ khi Mỹ đồng ý cấp các tên lửa chiến thuật có tầm bắn xa hơn cho Ukraine. Với tên lửa chiến thuật, quân đội Ukraine có thể nhắm đến các căn cứ quân sự, trong đó có các sân bay mà Nga dùng để tấn công Ukraine.

Theo AFP, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine