1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Uy lực tên lửa Nga mà Ukraine chưa một lần đánh chặn thành công

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine thừa nhận Nga đã phóng ra 300 quả Kh-22 kể từ khi chiến sự giữa 2 nước bùng phát, nhưng Kiev chưa thể bắn rơi bất cứ tên lửa nào.

Uy lực tên lửa Nga mà Ukraine chưa một lần đánh chặn thành công - 1

Máy bay ném bom Tu-22M-3 của Nga mang theo 2 quả tên lửa Kh-22 (Ảnh: The Aviation Geek Club).

Người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yury Ignat ngày 29/12 cho biết, lực lượng phòng không nước này đã không thể bắn hạ một tên lửa hành trình siêu thanh Kh-22 nào của Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng.

Ông cho biết Nga đã bắn ra khoảng 300 quả Kh-22 sau hơn 22 tháng chiến sự. Tuy nhiên, khi được hỏi Ukraine đã bắn rơi được quả Kh-22 nào hay chưa, ông thừa nhận: "Chưa có tên lửa nào loại này bị bắn hạ".

"Tên lửa Kh-22 di chuyển với tốc độ 4.000 km/h, nó tiếp cận mục tiêu chủ yếu thông qua quỹ đạo đạn đạo. Cần có các phương tiện đặc biệt để đánh chặn nó", ông giải thích và nói thêm rằng Ukraine cần thêm tổ hợp Patriot để có thể bắt bài được Kh-22.

Vào tháng 8, ông Ignat cũng từng thừa nhận rằng Ukraine rất khó để bắn rơi tên lửa Kh-22 của Nga.

Hồi đầu năm, Ukraine thừa nhận rằng nước này không sở hữu hệ thống phòng không nào có khả năng đánh chặn và bắn hạ tên lửa Kh-22 của Nga. 

Theo một quan chức Ukraine, hệ thống phát hiện mục tiêu của Ukraine đủ "nhạy" để có thể xác định được Kh-22 thông qua cách phóng, độ cao và tốc độ bay, nhưng vấn đề là đường bay của tên lửa có thể bị lệch đi hàng trăm mét. Vào thời điểm đó, quan chức này nói rằng chỉ có những tổ hợp như Patriot mới có thể đánh chặn Kh-22. 

Sau khi chiến sự Moscow - Kiev bùng phát, phương Tây đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tiên tiến như SAMP-T, Patriot, Iris-T, NASAMS và Crotale nhưng những lá chắn này vẫn chưa bắn rơi được Kh-22, cho thấy uy lực đáng gờm của dòng tên lửa này.

Theo giới chuyên gia phương Tây, vấn đề nằm ở chỗ Ukraine tới nay mới chỉ có khoảng 3 tổ hợp Patriot và một lá chắn SAMP-T, vì vậy chúng không đủ để bao phủ toàn bộ lãnh thổ Ukraine, dẫn tới việc để lọt Kh-22.

Nga thường phóng Kh-22 cùng hàng chục, thậm chí hàng trăm tên lửa khác trong một cuộc tấn công, gây áp lực khổng lồ lên phòng không Ukraine. Điều này khiến Kh-22 càng trở nên khó đánh chặn.

Một lý do khác là Nga có thể phóng Kh-22 vào các khu vực mà Ukraine thiếu sự hiện diện của các tổ hợp phòng thủ. Việc tập kích kiểu khai thác lỗ hổng này cũng khiến cho Kiev không thể đánh chặn hiệu quả Kh-22.

Raduga Kh-22 là loại tên lửa chống hạm cỡ lớn được phát triển từ thời Liên Xô. Với khối lượng gần 6 tấn, chiều dài 11,6m, tên lửa này có thể mang theo đầu đạn thường hoặc một đầu đạn hạt nhân với sức công phá lên tới 1.000kT.

Sử dụng một động cơ nhiên liệu lỏng, Kh-22 có thể bay với tốc độ tối đa 5.600km/h, gấp gần 5 lần tốc độ âm thanh (gần đạt tốc độ siêu vượt âm). Tầm bắn của tên lửa này đạt khoảng 600km. Ngoài ra, nhiều phiên bản cải tiến của Kh-22 cũng được trang bị hệ thống radar kết hợp định vị tiên tiến, cho phép nó di chuyển linh hoạt và tấn công mục tiêu một cách chính xác hơn.

Với uy lực và tính năng vượt trội, Kh-22 được giới quan sát quân sự mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay". Một số tờ báo của phương Tây thậm chí còn miêu tả tên lửa này như là "một vũ khí khủng khiếp ở mọi giới hạn". Các nhà khoa học và kỹ sư Liên Xô chịu trách nhiệm chế tạo Kh-22 tiết lộ, loại vũ khí này được thiết kế để đối phó với các nhóm tác chiến tàu sân bay của đối phương.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine