1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine sắp tung vũ khí áp đảo không chiến với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine sẵn sàng tăng cường đáng kể năng lực phòng không khi các phi công huấn luyện trên máy bay chiến đấu F-16 có khả năng thay đổi cục diện chiến sự.

Ukraine sắp tung vũ khí áp đảo không chiến với Nga - 1

Máy bay chiến đấu F-16 (Ảnh: Getty).

Việc chuẩn bị đưa các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất ra chiến trường sẽ là một sự nâng cấp đáng kể cho Không quân Ukraine, vốn chủ yếu dựa vào các máy bay MiG và Sukhoi thời Liên Xô trong cuộc chiến kéo dài 23 tháng chống lại Nga.

Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 26/12 thông báo, nhóm phi công Ukraine đầu tiên dự kiến lái F-16 đã hoàn thành chương trình huấn luyện cơ bản ở Anh và chuyển sang huấn luyện cùng các tiêm kích này ở Đan Mạch.

"Chúng tôi rất cảm kích Bộ Quốc phòng Anh vì đã cung cấp khóa huấn luyện cơ bản cho các phi công chiến đấu của Ukraine. Ukraine đánh giá cao sự giúp đỡ của đối tác trong việc chuẩn bị vận hành F-16 ở Ukraine", Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov tuyên bố việc các phi công Ukraine được huấn luyện lái F-16 "đóng góp rất đáng kể cho Liên minh Năng lực Không quân quốc tế của Ukraine".

Bộ trưởng Umerov nói thêm rằng khóa huấn luyện đóng vai trò "rất quan trọng để trang bị cho các phi công Ukraine những kỹ năng cần thiết trong cuộc chiến chống lại Nga".

Bộ Quốc phòng Anh xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết các phi công Ukraine đã được Không quân Hoàng gia Anh huấn luyện trước khi tới Đan Mạch.

Bộ Quốc phòng Anh khẳng định "F-16 sẽ là cốt lõi của lực lượng không quân tương lai của Ukraine".

Các phi công Ukraine sẽ tiếp tục học lái máy bay F-16 ở Đan Mạch và tại một trung tâm huấn luyện chuyên biệt ở Romania, nơi một số máy bay lần đầu tiên được chuyển giao vào đầu tháng trước. Một số ít phi công Ukraine cũng được đào tạo ở Arizona.

Trước đó, triển vọng Ukraine được cấp F-16 vẫn chưa rõ ràng cho đến tháng 5, khi Tổng thống Joe Biden đồng ý cho phép các đồng minh NATO cung cấp máy bay chiến đấu này cho Kiev sau nhiều lần bác đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Cho đến nay, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ đã đồng ý cung cấp F-16 cho Ukraine. Hà Lan chuẩn bị gửi cho Kiev lô F-16 đầu tiên gồm 18 chiếc trong tổng số 42 chiếc.

Mặc dù chưa rõ thời điểm chính xác về việc F-16 được đưa đến Ukraine, nhưng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã thông báo với Tổng thống Zelensky trong cuộc điện đàm vào tuần trước rằng lô F-16 đầu tiên sẽ sớm được gửi đi.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định F-16 sẽ không cải thiện vị thế của Ukraine trong cuộc chiến, đồng thời phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông hồi tháng 9 rằng việc Ukraine trang bị thêm tiêm kích này sẽ càng "kéo dài xung đột".

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cảnh báo toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây cấp cho Ukraine có thể bị bắn hạ trong chưa đầy 3 tuần.

Tuy vậy, Ukraine và phương Tây tin rằng F-16 có thể giúp Kiev giành ưu thế trên bầu trời trước sự áp đảo của Nga trong suốt thời gian qua. 

F-16 có cảm biến, thiết bị tác chiến điện tử phòng thủ và vũ khí tốt hơn so với Su-27 hoặc MiG-29 mà Ukraine đang sở hữu. Vì vậy, F-16 có thể có khả năng sống sót cao hơn khi không chiến trực diện với máy bay Nga mang bom lượn, hoặc né tránh lá chắn phòng không Moscow hiệu quả hơn.

Trong không chiến, lợi thế của F-16 chính là khả năng không chiến tầm trung bằng tên lửa AIM-120 cùng chiến thuật bắn rồi bỏ chạy. F-16 có thể bay thấp để tiếp cận mục tiêu rồi tăng độ cao bất ngờ để nhanh chóng tấn công rồi rút đi ngay lập tức. Sự linh hoạt của tiêm kích này giúp nó trở nên nguy hiểm so với các tiêm kích hạng nặng ít cơ động hơn. 

F-16 là tiêm kích do phương Tây sản xuất nên nó dễ tích hợp và phát huy tối đa hiệu quả các vũ khí tầm xa như tên lửa Storm Shadow, SCALP hay bom lượn JDAM-ER hơn là các tiêm kích có từ thời Liên Xô mà Ukraine đang sử dụng. 

Theo Newsweek