1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine lên tiếng việc đóng băng xung đột với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố các đồng minh không thúc ép Kiev bắt đầu đàm phán với Nga về việc đóng băng xung đột.

Ukraine lên tiếng việc đóng băng xung đột với Nga - 1

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (Ảnh: Sputnik).

"Các đồng minh của chúng tôi không yêu cầu chúng tôi bắt đầu đàm phán với Nga để đóng băng xung đột, kể cả khi chúng tôi gặp các phái đoàn (phương Tây) cũng như tại các cuộc họp kín", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói trong cuộc phỏng vấn báo El Pais của Tây Ban Nha hôm 8/1.

"Những người đề xuất đóng băng xung đột lập luận rằng, họ đang hành động vì lợi ích tốt nhất của Ukraine và thế giới, nhưng trên thực tế, họ đang giúp đỡ (Tổng thống Nga Vladimir) Putin và không quan tâm xem nước Nga hiện nay như thế nào", ông Kuleba nói thêm.

Vào cuối tháng 12 năm ngoái, New York Times đưa tin Tổng thống Putin được cho là đang ngầm để ngỏ tín hiệu rằng, Nga sẽ sẵn sàng ngừng bắn dọc theo chiến tuyến hiện tại. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Ukraine và phương Tây nhiều lần nói rằng họ không tin Nga quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình thiện chí.

Nhà ngoại giao Ukraine cho hay, Ukraine đã tổ chức gần 200 vòng đàm phán kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, nhưng điều này chỉ dẫn đến việc Moscow tiếp tục mở chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hồi tháng 2/2022.

"Từ năm 2014 đến năm 2022, chúng tôi đã tổ chức gần 200 vòng đàm phán với Nga. Cuộc xung đột trên thực tế đã bị đóng băng", ông Kuleba nhấn mạnh.

Theo nhà ngoại giao Ukraine, Moscow không quan tâm đến một cuộc xung đột đóng băng hay hòa bình với Kiev.

Ngoại trưởng Kuleba cũng cho biết, ông tin tưởng Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp cho Ukraine gói viện trợ trị giá 54 tỷ USD, nhưng nói thêm rằng Ukraine không có "kế hoạch B" nếu không có gói viện trợ này.

Hội đồng Châu Âu dự kiến họp vào ngày 1/2 để thảo luận lại về gói viện trợ, vốn được tất cả các thành viên EU ngoại trừ Hungary đồng ý thông qua.

Tháng trước, Hungary, quốc gia luôn chỉ trích các chính sách của EU dành cho Ukraine, đã chặn gói viện trợ cho Kiev. Nếu được thông qua, khoản tiền này sẽ được giải ngân từ năm 2024 đến 2027.

Ngoại trưởng Kuleba tin tưởng rằng một quyết định tích cực sẽ được đưa ra vào tháng 2, đồng thời khẳng định "nhận thức rõ ràng và nhất trí giữa 26 thành viên EU, trừ Hungary, rằng gói viện trợ này sẽ được cung cấp dưới hình thức này hay hình thức khác".

Khi được hỏi liệu Ukraine có phương án dự phòng trong trường hợp gói viện trợ bị chặn hay không, ông Kuleba nói rằng không có phương án B, nhưng nhấn mạnh "chúng ta phải dồn toàn bộ sức lực và tâm vào một việc: biến kế hoạch A thành hiện thực".

Giới chức Ukraine nhiều lần nêu rõ quan điểm về điều kiện tiên quyết cho các cuộc hòa đàm với Nga. Ngoại trưởng Kuleba từng nêu rõ các điều kiện này gồm Nga phải rút quân, khôi phục đường biên giới cho Ukraine và không đóng băng xung đột.

Kiev lập luận, đóng băng xung đột sẽ giúp Nga có thời gian tập hợp thêm lực lượng để tiến hành một chiến dịch tấn công thậm chí lớn hơn nữa. Trong khi đó, giới chức phương Tây cho rằng Ukraine chỉ nên chấp nhận một thỏa thuận hòa bình với Nga theo các điều khoản của Kiev. 

Tuy nhiên, Nga nhiều lần bác bỏ những yêu cầu này và tuyên bố hòa bình chỉ có thể đạt được nếu Ukraine trở thành quốc gia trung lập, từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, công nhận việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ từ Ukraine.

Theo Kyiv Independent