1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Từ Lisbon, châu Âu khởi đầu kỷ nguyên mới với giấc mơ mới

(Dân trí) - Hôm nay, cả châu Âu chào mừng Hiệp ước Lisbon chính thức có hiệu lực - bước khởi đầu một kỷ nguyên mới trong tiến trình hội nhập của khối, một dấu mốc được kỳ vọng sẽ khẳng định vai trò của Liên minh châu Âu (EU) trong các vấn đề quốc tế.

Từ Lisbon, châu Âu khởi đầu kỷ nguyên mới với giấc mơ mới - 1

Chủ tịch và Ngoại trưởng mới của EU: ông Herman Van Rompuy và bà Catherine Ashton, được bầu hôm 20/11

Hiệp ước cải cách mới

Ngày 1/12, tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, nơi Hiệp ước Lisbon được ký kết, diễn ra lễ kỷ niệm long trọng nhân dịp hiệp ước có hiệu lực sau nhiều năm sóng gió.

Hiệp ước Lisbon được soạn thảo nhằm cải cách các hoạt động của EU. Hiệp ước này tăng cường các quyền của Nghị viện châu Âu và giúp việc đưa ra các quyết định của châu Âu bớt kềnh càng hơn. Đây là văn kiện thu nhỏ của dự thảo Hiến pháp châu Âu (được soạn thảo tháng 6/2003), nhưng không còn đề cập đến một số vấn đề, nhằm mục đích chính là đơn giản hoá tiến trình lấy quyết định.

Theo hiệp ước dài 250 trang này, một nghị quyết của EU được thông qua phải được sự chấp thuận của 55% số quốc gia thành viên với tổng cộng 65% dân số (áp dụng từ năm 2014 với một thời hạn quá độ tới 2017); EU sẽ có một Chủ tịch Hội đồng EU với nhiệm kỳ 2 năm rưỡi. Bên cạnh những công tác khác, Chủ tịch EU có nhiệm vụ chuẩn bị cho các Hội nghị thượng đỉnh EU.

Ngoài ra, Uỷ ban châu Âu (EC) được thu nhỏ và từ năm 2014, chỉ có 2/3 số thành viên EU lần lượt có một uỷ viên trong EC, chứ không phải nước nào cũng có ủy viên trong EC như hiện nay; Nghị viện Châu Âu sẽ tăng từ 736 lên có 751 ghế (trong đó Ailen có 12 ghế). Hiệp ước mới cũng lần đầu tiên đề ra khả năng cho một nước thành viên được ra khỏi EU. Nước này phải thương lượng về điều kiện với các đối tác EU.

Về quyền hạn của Nghị viện châu Âu, lần đầu tiên các nghị sĩ châu Âu có quyền đồng quyết định, cùng với các bộ truởng của các quốc gia, trong những lĩnh vực mới quan trọng. Nghị viện châu Âu có nhiều quyền lực hơn trong những lĩnh vực khác, kể cả tư pháp và nội vụ và trong chính sách thương mại quốc tế.

Tiến trình phê chuẩn Hiệp ước đã gặp rất nhiều trở ngại, phải kéo dài và không thể có hiệu lực vào đầu năm 2009 như lịch trình.

Trải qua suốt quá trình từ năm 2003, cho đến ngày 3/10 và sau đó là ngày 10/10 năm nay, Ailen và Ba Lan đã chính thức phê chuẩn Hiệp ước Lisbon. Đến tháng 11 vừa qua, Séc là nước cuối cùng trong số 27 nước chấp nhận hiệp ước cải cách này và như vậy, hiệp ước chính thức có hiệu lực ngày 1/12. Séc trì hoãn thông qua vì theo lý giải của Tổng thống Klaus, Hiệp ước Lisbon đã trao quá nhiều quyền lực cho Ủy ban châu Âu. Theo ông Klaus, Hiệp ước Lisbon là một bước thụt lùi so với Hiến pháp châu Âu đã bị bác bỏ; Đó là một văn bản thể hiện sự chuyển đổi từ một châu Âu gồm nhiều quốc gia thành một châu Âu nhất thể hóa.

Giấc mơ siêu cường thế giới – có xa vời?

Đối với hầu hết giới lãnh đạo các quốc gia châu Âu, Hiệp ước Lisbon là một bước tiến quan trọng để EU trở nên hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới. Các nhà lãnh đạo EU cũng đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện cho quá trình thông qua Hiệp ước này với cảnh báo Hiệp ước Lisbon bị thất bại có thể đẩy EU rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử.

Theo Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) J.Buzek, Hiệp ước Lisbon thể hiện một sự lớn mạnh về dân chủ và hiệu quả của Liên minh châu Âu. Hiệp ước Lisbon là một phương tiện, không phải là mục đích, vì nó mang lại cho EU những công cụ để giải quyết những âu lo của người dân trong EU.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cho dù với sự kiện Lisbon, EU có thể đã tiến một bước quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm một vai trò toàn cầu lớn hơn, nhưng mọi hy vọng về khả năng khối này sẽ trở thành một siêu cường thế giới thì chỉ là một giấc mơ xa vời.

Những người ủng hộ nói Lisbon đã đặt nền móng cho nỗ lực của EU giành ảnh hưởng trong trật tự thế giới mới sau sự nổi lên của các cường quốc mới, như Trung Quốc, trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng những người chỉ trích cho rằng chính EU đã làm suy yếu mục đích này khi phải vật lộn để giành được sự ủng hộ của 27 nước thành viên cho hiệp ước cải cách mới, và khi lựa chọn những nhân vật ít tiếng tăm làm Chủ tịch và Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên.

Tuy nhiên, cả hai ý kiến này cùng đồng ý rằng những thay đổi sẽ diễn ra rất chậm. Nhiều thay đổi phụ thuộc vào việc các nhà lãnh đạo mới của EU xác định nhiệm vụ của họ như thế nào trong những năm tới, cũng như việc các chính phủ thành viên có sẵn lòng đặt lợi ích của toàn khối lên trên các lợi ích chỉ của quốc gia mình hay không.

Chặng đường EU tiến tới Hiệp ước cải cách Lisbon:

- Tháng 6/2003: Hội nghị của các nhà lãnh đạo EU tại Salonica, Hy Lạp nghe Dự thảo Hiến pháp Châu Âu, do nhóm các chuyên gia (đứng đầu là Tổng thống Pháp Valery Giscard d'Estaing) đệ trình.

- Tháng 5 và 6/2005: Cử tri Pháp và Hà Lan lần lượt bác bỏ bản dự thảo Hiến pháp Châu Âu.

- Ngày 23/6/2007: Các nhà lãnh đạo EU bất ngờ thông qua bản hiệp ước cải cách mới thay hiệp ước cũ, gọi là Hiệp ước Lisbon.

- Tháng 12/2007: Các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU ký vào Hiệp ước Lisbon về cải tổ các thể chế của EU. Hiệp ước này còn cần phải được tất cả 27 quốc gia thành viên thông qua.

- Cùng tháng 12/2007: Hunggari là nước đầu tiên thông qua Hiệp ước Lisbon.

- Tháng 6/2008: Ailen bác bỏ, khiến tiến trình phê chuẩn Hiệp ước Lisbon phải kéo dài và không thể có hiệu lực vào đầu năm 2009 như lịch trình.

- Ngày 3/10/2009: Ailen bất ngờ ủng hộ Hiệp ước Lisbon. (Ailen là nước duy nhất trong số 27 nước thành viên EU áp dụng hình thức trưng cầu ý dân để thông qua Hiệp ước Lisbon, các nước còn lại đều thông qua bằng việc bỏ phiếu tại Quốc hội).

- Ngày 10/10/2009: Ba Lan thông qua hiệp ước.

- Ngày 4/11/2009: CH Séc thông qua hiệp ước.

- Ngày 19/11/2009: Thủ tướng đương nhiệm của Bỉ Herman Van Rompuy được bầu làm Chủ tịch Hội đồng EU (Chủ tịch EU) đầu tiên với nhiệm kỳ 2 năm rưỡi, thay cho chức Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng một lần như hiện nay.

- Ngày 1/12/2009: Hiệp ước Lisbon chính thức có hiệu lực.

Việt Hà
Tổng hợp