1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc và mưu đồ “mặt trận thứ ba” ở Biển Ðông

(Dân trí) - Trước tiên là tấn công ngoại giao, rồi phô trương sức mạnh quân sự, nay Trung Quốc mở "mặt trận thứ ba" trong âm mưu bá quyền ở Biển Ðông bằng việc mời thầu thăm dò dầu khí tại các lô nằm trong cả vùng đặc quyền kinh tế của nước khác.

 

Một giàn khoan dầu của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC)

Một giàn khoan dầu của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC)

Bắc Kinh đã ngang nhiên thiết lập hệ thống hành chính, quân sự và tư pháp cho cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. Hạm đội Nam Hải rục rịch tập trận bắn đạn thật ở Trường Sa.  Hôm thứ ba vừa qua phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc, đại tá Cảnh Nhạn Sinh, tuyên bố hệ thống tuần tra tác chiến thông thường đã được thiết lập tại vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Bộ quốc phòng Trung Quốc không quên nhắc lại quan điểm phi lý rằng Bắc Kinh “có chủ quyền không thể tranh cãi” tại khu vực Biển Đông, và phản đối bất cứ sự can thiệp quân sự nào vào vùng này. 

Trong khi đó cuối tháng 6 vừa qua, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc của nhà nước Trung Quốc, gọi tắt là CNOOC, đã mời các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu thăm dò dầu khí tại các lô chồng lấn vào các lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đang được Việt Nam thăm dò, và đặc biệt là không nằm trong vùng lãnh hải tranh chấp trước kia.

 

Hãng thông tấn AP dẫn nguồn tin thân cận trong ngành công nghiệp này cho hay sau khi loan báo quyết định gọi thầu khai thác 9 lô nằm trong các vùng sát bờ biển miền trung và miền nam Việt Nam mà Trung Quốc ngang nhiên tự nhận chủ quyền, tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc CNOOC đã cho các công ty nước ngoài thời hạn một năm, tức tháng 6 sang năm, để tham gia đấu thầu. 

Theo nguồn tin này, xin ẩn danh, thì từ lúc quyết định mời thầu được loan báo, tập đoàn CNOOC đã nhận được nhiều đề nghị không chính thức từ phía các tập đoàn ngoại quốc.

Vào tháng 7 vừa qua, ông Vương Nghi Lâm, chủ tịch tập đoàn CNOOC đã tuyên bố với báo chí rằng lời mời thầu họ đưa ra về 9 lô ngoài khơi Việt Nam đã thu hút nhiều mối quan tâm từ các công ty Mỹ, nhưng ông từ chối cho biết đó là những công ty nào. 
 
Một nhà điều hành của một công ty dầu khí quốc tế khổng lồ không muốn nêu tên nói rằng “quan điểm của chính phủ Trung Quốc được thể hiện rõ hơn bao giờ hết, đó là họ muốn nắm chủ quyền và phát triển trong khu vực này.”

Theo các nhà phân tích, rất có thể là sẽ có một số công ty đáp ứng lời gọi thầu của Trung Quốc, nhưng chủ yếu đó sẽ là những công ty nhỏ, độc lập, còn các đại tập đoàn sẽ thận trọng hơn trước khả năng tranh chấp bùng nổ, nhất là các tập đoàn đã có làm ăn với Việt Nam như Exxon Mobil của Mỹ, Gazprom của Nga hay ONGC của Ấn Độ. 

Đơn cử là lô 128 mà Việt Nam và Ấn Độ đang thương thuyết lại bị dìm vào một phần của lô Danwan 22 mà CNOOC vừa rao bán. Tuần qua, phía Ấn Độ không những cho biết chưa chắc đã rút khỏi lô 128 mà còn kêu gọi các nước không chỉ tôn trọng quyền lưu thông ngoài biển mà phải bảo vệ quyền khai thác tài nguyên theo luật lệ quốc tế. Đây là điều cho thấy kết quả của việc CNOOC đòi khai thác tài nguyên trong một khu vực của Việt Nam.
 
Nhìn trên toàn cảnh, các doanh nghiệp quốc tế đều đang cân nhắc về triển vọng đào dầu trong tương lai mà ngay trước mắt, họ e ngại về sự an toàn vì thái độ hung hăng của Trung Quốc. Khi biến thương trường thành chiến trường như vậy, Trung Quốc đang mời chiến hạm đi vào vùng nước đục.

Ngay sau khi tập đoàn CNOOC loan báo việc gọi thầu 9 lô ngoài khơi bờ biển Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đã lên án hành động của Trung Quốc là "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế" vì các lô đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. PetroVietnam cũng kêu gọi các công ty năng lượng quốc tế không tham gia cuộc đấu thầu do Trung Quốc bày ra.

Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Ðông. Ngoài Việt Nam, các nước cũng tuyên bố chủ quyền từng phần trong lãnh hải này bao gồm Philippines, Brunei và Malaysia và thêm đảo Đài Loan.

 

Theo AP, bất cứ xung đột nào trong vùng biển được xem là một trong những hải lộ nhộn nhịp nhất thế giới này đều gây ra những hậu quả mang tính toàn cầu. Mỗi năm lượng hàng hóa được chuyên chở qua hải lộ này có trị giá lên đến 5.000 tỉ đôla Mỹ.

  

Bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt, Giám đốc bộ phận Ðông-Bắc Á của Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế nhận định, các hoạt động thăm dò năng lượng trong vùng lãnh hải tranh chấp có thể dẫn đến nhiều tranh cãi ngoại giao, và thậm chí là và va chạm giữa tàu bè khảo sát và tàu hải giám của các nước đang trong tranh chấp nhưng có lẽ sẽ chưa  làm bùng lên một cuộc đối đầu quân sự.

 

Tuy nhiên bà cũng cho rằng “nếu thực sự phát hiện được trữ lượng dầu khí dồi dào trong khu vực này, và nếu Bắc Kinh quyết định tiến vào khai thác thì tình hình sẽ thay đổi nghiêm trọng.”

 

Theo một nhà phân tích, trên Biển Đông, Trung Quốc gặp các đối thủ nhỏ yếu và dùng kinh tế để mua chuộc và dùng sức mạnh để hăm dọa từng nước theo kiểu bẻ đũa từng chiếc. Nhưng kết quả của đòn ly gián này đang gây ra phản ứng khá mạnh của Indonesia và Philippines với Campuchia, bị quy trách là quân cờ của Trung Quốc trong cục diện Đông Nam Á. Khi Ấn Độ cũng vào cuộc qua dự án Videsh, thì chắc chắn nhiều trở ngại sắp tới sẽ chờ đón Trung Quốc. Các nước đã nhìn ra bàn tay cầm súng và chi tiền của Bắc Kinh.

  

Vũ Quý

Tổng hợp

Dòng sự kiện: Căng thẳng Biển Đông