1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc sắp kiểm soát hải cảng chiến lược của Pakistan

(Dân trí) – Với việc được giao quyền điều hành khu cảng nước sâu chiến lược ở biển Ả rập, gần eo biển Hormuz, đây không chỉ là lợi ích về kinh tế mà có khả năng là cả ưu thế quân sự cho Bắc Kinh.

Theo thông báo của người phát ngôn Bộ vận tải và cảng biển Pakistan, nội các nước này đã phê chuẩn đề xuất để một công ty thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc, có tên China Overseas Port Holdings Limited, mua lại quyền kiểm soát cảng Gwadar từ một công ty Singapore. Trước đó công ty này đã thắng thầu điều hành cảng trên trong thời hạn 40 năm tính từ năm 2007.

Khu cảng Gwadar được xây dựng từ lâu nhưng thiếu hạ tầng kết nối
Khu cảng Gwadar được xây dựng từ lâu nhưng thiếu hạ tầng kết nối

Theo hãng tin AP, Trung Quốc đã tài trợ gần như toàn bộ chi phí xây dựng khu cảng này, ước tính khoảng 200 triệu USD. Cảng được xây trên một làng chài cũ ở làng Gwadar, tỉnh Baluchistan của Pakistan. Đây là một dự án thất bại của chính quyền địa phương sau khi ra mắt năm 2007 bởi Pakistan không thể hoàn thành mạng lưới đường nối cảng này với hệ thống giao thông quốc gia.

Vẫn theo AP, việc Trung Quốc kiểm soát được khu cảng sẽ giúp họ đặt chân vào một trong những khu vực có tính chất chiến lược nhất thế giới và có thể khiến Washington lo lắng. Bởi Gwadar nằm trên biển Ả rập và án ngữ vị trí trọng yếu trên tuyến đường từ Nam Á sang Trung Á và Trung Đông. Nó cũng nằm gần eo biển Hormuz, nơi 20% lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua mỗi năm.

Trung Quốc quan tâm đến cảng này bởi mối lo ngại về an ninh năng lượng nhằm thỏa mãn nhu cầu của một nền kinh tế đang phát triển mạnh. Bắc Kinh muốn có một nơi đặt nền móng cho tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt từ vùng Vịnh. Họ cũng tin rằng việc giúp Pakistan phát triển sẽ giúp tăng cường hoạt động kinh tế tại vùng lãnh thổ Tân Cương xa xôi, ráp Pakistan.

Một số chuyên gia xem Gwadar như vùng cực Tây trong “chuỗi ngọc trai”, một hệ thống cảng từ Trung Quốc tới vùng Vịnh, giúp việc mở rộng ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương dễ dàng hơn. Điều này đã khiến cả Mỹ và Ấn Độ lo ngại.

Pakistan hiện xem Trung Quốc như một trong những đồng minh quan trọng nhất và là đối trọng với Mỹ. Washington vẫn tài trợ cho Islamabad hàng tỷ USD nhưng thường vẫn bị xem như kẻ hay thay đổi.

Gwadar có vị trí chiến lược trong khu vực Trung và Nam Á
Gwadar có vị trí chiến lược trong khu vực Trung và Nam Á

Để hoàn tất thương vụ này, Trung Quốc dự kiến phải chi 35 triệu USD cho công ty của Singapore và 2 tập đoàn khác cùng có cổ phần. Cổ đông thứ ba của cảng là National Logistics Cell, một tập đoàn trực thuộc quân đội Pakistan. Hiện Trung Quốc đang đợi phán quyết của một tòa án Pakistan hủy quyền kiểm soát khu cảng cuả công ty Singapore.

Một quan chức cấp cao của Pakistan tiết lộ với AP rằng ngoài số tiền trên, Bắc Kinh cũng đồng ý chi hàng trăm triệu USD để hoàn tất 900 km đường nối khu cảng với trục cao tốc Bắc – Nam của Pakistan.

Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ giúp việc vận chuyển trên bộ từ Gwadar tới Trung Quốc được thông suốt. Ban đầu tuyến đường đã được dự kiến hoàn tất trong năm 2012 nhưng hiện mới chỉ có 60% khối lượng công việc được thực hiện.

Ngoài ra tuyến đường sẽ cắt ngắn quãng đường khoảng 4000 km từ tỉnh Tân Cương ra bờ biển ở phía Đông Trung Quốc xuống còn chỉ 2000 km để tới Gwadar. Trong kế hoạch dài hạn, một tuyến đường bộ và đường sắt có thể được xây dựng nối Gwadar tới các quốc gia dầu mỏ ở Trung Á.

Phát biểu trước báo giới hôm 31/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “miễn là dự án giúp tăng cường mối quan hệ Trung Quốc – Pakistan, Bắc Kinh sẽ ủng hộ dự án này”.

Thanh Tùng
Theo AP