Trung Quốc: Phá tiền lệ để bắt “hổ”


Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi: Liệu Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tập Cận Bình dám đi xa đến đâu trong cuộc chiến chống tham nhũng?

Trước đây, các thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị không bị điều tra, ngay cả sau khi nghỉ hưu. Đến nay, những chính trị gia cấp cao nhất bị điều tra, xét xử tham nhũng là thành viên Bộ Chính trị, trong đó có Bạc Hy Lai - người được ông Chu Vĩnh Khang bênh vực, nhưng vẫn bị kết án tù chung thân hồi tháng 9/2013 vì tội nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng chức quyền.

Tháng 12/2013, ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo khác trong Đảng đồng ý để một ủy ban thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức điều tra về cáo buộc ông Chu tham nhũng và lạm dụng chức quyền. Ông Chu và vợ, bà Giả Hiệp Diệp, bị quản thúc tại gia từ đó. Ngay sau khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập tuyên bố sẽ dẹp tham nhũng ở trong tất cả hàng ngũ đảng, gồm cả những “con hổ” (cấp cao) và những “con ruồi” (cấp thấp). Ông Chu Vĩnh Khang được coi là một “con hổ”. Theo các nhà phân tích, kể cả khi đã nghỉ hưu, ông Chu vẫn còn tầm ảnh hưởng ghê gớm. Được đào tạo chuyên ngành khai thác dầu khí, ông Chu có nhiều năm làm trong ngành công nghiệp khai thác dầu và có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc.

Khi trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, ông Chu giám sát bộ máy an ninh của Đảng, kiểm soát lực lượng cảnh sát, công tố viên, tòa án và cơ quan tình báo chủ chốt. Các nhà quan sát cho rằng, với cơ sở quyền lực như vậy, ông Chu có thể kêu gọi ủng hộ từ các đồng minh và đảng viên lớn tuổi, và bất kỳ cáo buộc chính thức nào chống lại ông Chu cũng có thể làm xáo trộn sự ổn định trong tầng lớp lãnh đạo chóp bu. Sau khi ông Chu nghỉ hưu tháng 11/2012, người kế nhiệm kiểm soát ngành an ninh nội địa không được vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Hàng loạt quan chức cấp cao “ngã ngựa”

Không lâu sau khi chính thức điều tra ông Chu Vĩnh Khang, cơ quan điều tra của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu điều tra hàng loạt cán bộ và lãnh đạo tập đoàn có liên hệ với ông Chu. Quan chức cao cấp đầu tiên “ngã ngựa” trong đợt này là Lý Xuân Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên - nhân vật đi lên trong thời gian ông Chu là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này từ năm 1999 đến 2002.

Cuối tháng 8 năm ngoái, bốn lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc bị cách chức để phục vụ điều tra cáo buộc “vi phạm kỷ luật” - cụm từ thường mang hàm ý tham nhũng. Vài ngày sau đó, cựu lãnh đạo Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Tưởng Khiết Mẫn bị cáo buộc công khai và bị điều tra tham nhũng trong thời gian ông này giám sát các tập đoàn nhà nước. Hai quan chức “ngã ngựa” gần đây nhất và đều dính líu ông Chu Vĩnh Khang là Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh và Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên Lý Sùng Hy.

Trung Quốc còn đẩy mạnh phòng chống, điều tra tham nhũng trong quân đội. Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần Cốc Tuấn San bị cách chức và điều tra từ năm ngoái.

Tuy chiến dịch chống tham nhũng cho ông Tập Cận Bình phát động được đánh giá là được nâng lên tầm mức mới, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, ông Tập có lẽ đang bước đi một cách thận trọng. “Họ không muốn ai cũng phải lo lắng về việc sẽ bị bắt. Đó sẽ là thảm họa đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Reuters trích lời ông Yuhua Wang, chuyên gia nghiên cứu về tham nhũng ở Trung Quốc ở Đại học Pennsylvania (Mỹ).

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc gần đây thông báo 27.236 vụ hối lộ và biển thủ công quỹ bị điều tra từ tháng 1 đến 11/2013. Kết quả là 36.907 đối tượng phải vào tù. 80% số vụ án này bị coi là lớn hoặc nghiêm trọng. Một trong những vụ tham nhũng lớn nhất bị điều tra liên quan cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân - người bị phát hiện nhận hối lộ 64,6 triệu tệ (khoảng 225 tỷ đồng) và bị kết án chung thân từ tháng 7 năm ngoái.


Theo Tiền phong