1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc lo "hiệu ứng domino" khi Lithuania cho Đài Loan mở văn phòng

Minh Phương

(Dân trí) - Phản ứng gay gắt của Trung Quốc khi Lithuania cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện cho thấy Bắc Kinh lo ngại "hiệu ứng domino" có thể khiến các nước châu Âu khác hành động tương tự.

Trung Quốc lo hiệu ứng domino khi Lithuania cho Đài Loan mở văn phòng - 1

Đại sứ Lithuania Diana Mickeviciene tại Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

Trung Quốc hôm 10/8 đã triệu hồi đại sứ tại Lithuania, đồng thời đề nghị Lithuania rút đại sứ của họ ở Bắc Kinh về nước. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triệu hồi đại sứ từ một quốc gia thành viên của EU kể từ khi khối này ra đời năm 1993.

Lý do là bởi Lithuania có kế hoạch cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện tại nước này và lập cơ quan đại diện của Lithuania tại đảo Đài Loan trong năm nay.

Vài giờ sau thông cáo chỉ trích và rút đại sứ của Trung Quốc, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cho biết nước này sẽ tự quyết chính sách đối ngoại của mình, đồng thời hối thúc Bắc Kinh thay đổi quyết định.

"Quan hệ Trung Quốc - Lithuania nên dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Nếu không, đối thoại sẽ trở thành tối hậu thư một chiều không thể chấp nhận được trong quan hệ quốc tế. Ngoài ra, với tư cách một quốc gia có chủ quyền, Lithuania sẽ tự quyết định thiết lập quan hệ kinh tế, văn hóa với bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào miễn là không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế", Tổng thống Nauseda nói.

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và tuyên bố sẵn sàng sáp nhập bằng mọi giá, kể cả bằng vũ lực. Việc Trung Quốc triệu hồi đại sứ ở các nước hiếm khi xảy ra. Lần gần đây nhất là vào năm 1995 khi Trung Quốc triệu hồi đại sứ tại Mỹ Li Daoyu sau khi Washington thông báo chuyến thăm của lãnh đạo Đài Loan.

Gửi tín hiệu đến châu Âu

Lý giải việc Bắc Kinh phản ứng gay gắt việc Lithuania cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện, giáo sư Zhu Songling của Viện nghiên cứu Đài Loan thuộc Đại học Công đoàn Bắc Kinh, cho rằng việc cho phép một văn phòng đại diện sử dụng tên Đài Loan được hiểu là ủng hộ Đài Loan độc lập và điều đó sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.

"Việc thay đổi tên văn phòng đại diện là một phần nỗ lực của chính quyền Đài Loan nhằm tìm kiếm một bước đột phá trong công nhận ngoại giao và Lithuania đang tìm cách làm hài lòng cả hai bên, điều này là không thể chấp nhận được với Trung Quốc. Bắc Kinh phải ngăn hành động của Lithuania, nếu không một số nước phương Tây có thể sẽ nối gót và gây ra hiệu ứng domino", ông Zhu nói.

Pang Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Đại Dương, Thanh Đảo, Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh có lý do để lo ngại, bởi hồi tháng 2, Lithuania là một trong các nước đã từ chối lời mời của Trung Quốc tham dự hội nghị của Chủ tịch Tập Cận Bình với đại diện 17 quốc gia Trung và Đông Âu. Ba tháng sau đó, Lithuania thông báo rút khỏi cơ chế 17+1 - một cơ chế do Bắc Kinh lập ra nhằm thúc đẩy thương mại và đối thoại giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu.

Theo chuyên gia Pang, việc Trung Quốc phản ứng gay gắt với Lithuania trong tuần này là nhằm "gửi đến thông điệp cho các nước khác nếu theo đuổi thúc đẩy mối quan hệ với Đài Loan giống như Lithuania, họ sẽ phải gánh hậu quả".

Theo ông Zhu, với việc triệu hồi đại sứ thay vì cắt đứt quan hệ ngoại giao, Bắc Kinh muốn "để lại vùng đệm cho các động thái chính trị ở Lithuania, để các chính trị gia Lithuania có thể thảo luận giải pháp trong mối quan hệ với Trung Quốc". "Tuy nhiên, với vấn đề Đài Loan, Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp", chuyên gia này nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Pang, một câu hỏi đặt ra là liệu "các biện pháp mạnh" của Trung Quốc có hiệu quả không hay sẽ "phản tác dụng" vì cách tiếp cận chính sách đối ngoại chung của EU.

Una Aleksandra Berzina-Cerenkova, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Riga Stradins (Latvia), nhận định Bắc Kinh có thể đang cân nhắc kỹ lưỡng con đường mà các nước khác vùng Baltic như Estonia và Latvia lựa chọn.