1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Ukraine lên tiếng về lệnh ngừng bắn với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng lệnh ngừng bắn với Nga sẽ không thể dẫn tới đàm phán.

Tổng thống Ukraine lên tiếng về lệnh ngừng bắn với Nga - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự cuộc họp báo chung với Tổng thống Estonia Alar Karis tại Tallinn ngày 11/1 (Ảnh: Reuters).

"Nếu cho Nga 2-3 năm ngừng nghỉ, sau đó họ sẽ quay lại tấn công chúng tôi. Chúng tôi sẽ không chấp nhận rủi ro đó. Không thể có lệnh ngừng bắn có lợi cho Nga", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong cuộc họp báo với Tổng thống Estonia Alar Karis hôm 11/1.

Theo ông Zelensky, bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng có thể cho phép Nga tập hợp lại lực lượng và tăng cường cung cấp đạn dược.

"Lệnh ngừng bắn sẽ không dẫn đến kết thúc chiến tranh, không dẫn đến đối thoại chính trị với Nga hay nước nào khác... Tất cả đã được quyết định ở Ukraine và sẽ không có lệnh ngừng bắn nào có lợi cho Nga", nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh.

Tổng thống Zelensky cho biết Nga đang phải đối mặt với tình trạng "thiếu hụt" đạn dược và đang nỗ lực xây dựng lại đội quân tinh nhuệ. Điều này cũng ảnh hưởng đến các hoạt động của Nga trên chiến trường.

Ông Zelensky cáo buộc Nga đang đàm phán mua tên lửa từ Iran và lực lượng Nga đã nhận được hơn một triệu quả đạn từ Triều Tiên.

Ông Zelensky thừa nhận một "cuộc chiến tranh kéo dài" cũng sẽ không tốt cho Ukraine.

"Chúng tôi phản đối cuộc chiến này ngay từ ngày đầu tiên và tiếp tục phản đối như vậy cho đến ngày cuối cùng", ông Zelensky nói thêm.

Ông Zelensky từ chối bình luận về phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Italy trong tuần này rằng, đã đến lúc phải thực hiện biện pháp ngoại giao trong cuộc xung đột.

Tổng thống Zelensky tiếp tục nhắc lại mong muốn của Ukraine trong việc trở thành thành viên NATO. Ông lập luận rằng quân đội Ukraine sẽ tăng cường sức mạnh cho sườn phía đông của NATO.

Ông Zelensky cho biết nếu kết nạp Ukraine, khối NATO sẽ có thêm "một đội quân có kinh nghiệm quân sự, không phải trên lý thuyết mà là thực tiễn".

Vào tháng trước, truyền thông phương Tây dẫn lời một số quan chức quốc tế giấu tên, bao gồm những nhân vật thân cận với Điện Kremlin và đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết: "Ít nhất là từ tháng 9, ông Putin đã ra tín hiệu với các bên trung gian nhằm thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn và đóng băng cuộc giao tranh".

Trước đó, theo giới chức Mỹ, ông Putin cũng từng có ý định thăm dò khả năng đàm phán ngừng bắn từ mùa thu năm 2022. Tuy nhiên, tiền đề để hai bên cùng ngồi xuống và xem xét việc đóng băng xung đột vẫn còn gian nan. 

Nhiều chính trị gia của Mỹ cho rằng đây chỉ là nước cờ gây nhiễu quen thuộc của Điện Kremlin và không hoàn toàn phản ánh thái độ sẵn sàng thỏa hiệp của Nga. Một số cựu quan chức Nga cũng cho rằng chiến lược của Moscow hoàn toàn có thể thay đổi dựa theo những diễn biến thực tế trên chiến trường.

Tổng thống Ukraine tuyên bố ông không thấy thiện chí đàm phán từ phía Nga. Giới chức Ukraine nhiều lần nêu rõ quan điểm về điều kiện tiên quyết cho các cuộc hòa đàm với Nga. Ngoại trưởng Ukraine từng nêu rõ các điều kiện này gồm Nga phải rút quân, khôi phục đường biên giới cho Ukraine và không đóng băng xung đột.

Kiev lập luận, đóng băng xung đột sẽ giúp Nga có thời gian tập hợp thêm lực lượng để tiến hành một chiến dịch tấn công thậm chí lớn hơn nữa. Trong khi đó, giới chức phương Tây cho rằng Ukraine chỉ nên chấp nhận một thỏa thuận hòa bình với Nga theo các điều khoản của Kiev. 

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 10/1 tuyên bố Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

"Vẫn chưa có tiến triển trong bất kỳ tiến trình hòa bình nào. Các tiến trình đang diễn ra rất khó khăn với "công thức hòa bình" của (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky", ông Peskov nói với các phóng viên.

"Một số quốc gia đang thảo luận về một "công thức hòa bình" nào đó mà không có sự tham gia của Nga. Một tiến trình rất kỳ lạ, nhưng không có gì nghiêm túc trong kế hoạch này", ông Peskov nói thêm.

"Trên thực tế, về mặt pháp lý, Kiev vẫn từ chối đàm phán. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt", người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.

Theo Reuters