1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Putin sẽ làm gì trong chuyến thăm Iran?

(Dân trí) - Chuyến thăm tới Iran của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày hôm nay sẽ bị giới phân tích theo dõi sít sao để xem có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ông Putin sẽ tiến gần hơn tới việc khai trương lò phản ứng hạt nhân mà Nga xây dựng cho Iran hay không.

Mọi dấu hiệu thể hiện sự ủng hộ Iran của Tổng thống Putin, chẳng hạn như cam kết nhanh chóng hoàn tất việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân nói trên, đều có thể khích lệ Iran và tiếp tục phủ bóng đen lên mối quan hệ Nga-phương Tây.

 

Tổng thống Putin đã công khai bày tỏ một số bất đồng với Washington, khi tuyên bố ngày 10/10 rằng ông không hề thấy có "dữ liệu khách quan" nào xác minh lập luận của phương Tây rằng Iran đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Và trong các cuộc hội đàm ngày 12/10 với Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, Tổng thống Putin đã chế nhạo kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, với cái cớ nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của Iran. Những tuyên bố này rõ ràng đã khiến cho cả Ngoại trưởng Mỹ C. Rice lẫn Bộ trưởng Quốc phòng R. Gates bị choáng váng.

 

Chuyến thăm Iran của Tổng thống Putin, trong đó ông sẽ hội kiến Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và tham dự Hội nghị cấp cao các nước ven biển Caspia trong ngày 16/10, là chuyến thăm Iran đầu tiên của một vị tổng thống Nga. Chưa có nhà lãnh đạo Điện Kremlin nào tới thăm Iran kể từ khi nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin đến Tehran năm 1943 để tham dự hội nghị thượng đỉnh phe đồng minh chống phát xít, với Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt.

 

Chuyến thăm của Tổng thống Putin được đánh giá là rất quan trọng đối với Iran, ngay cả khi hai bên không đạt được một thỏa thuận nào. Ông Alexander Pikayev, chuyên gia hàng đầu về Iran của Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (Nga), bình luận: "Đây là động thái phá vỡ sự cô lập quốc tế, một cơ hội chứng tỏ Iran là quốc gia quan trọng".

 

Tuy nhiên, chuyến thăm này cũng cho thấy rõ một sự thật đôi lúc bị thế giới lãng quên. Đó là Điện Kremlin cũng đang có những "vấn đề" với Cộng hòa Hồi giáo Iran. Mặc dù Nga vẫn phản đối việc thắt chặt hơn nữa các hình thức trừng phạt Iran tại Hội đồng Bảo an LHQ, quan hệ giữa Mátxcơva và Tehran đang bị tổn thương do những bất đồng xung quanh việc Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 1 tỷ USD ở Iran.

 

Biên tập viên tạp chí "Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu", Fyodor Lukyanov nói: "Tehran xem Nga là đối tác không đáng tin cậy và đang lợi dụng Iran trong cuộc chơi với phương Tây. Còn Điện Kremlin thì cảm thấy Iran là nước rất khó ứng phó và cảm thấy bực tức về điều này".

 

Chuyến thăm Tehran của Tổng thống Putin đã bị hoãn lại nhiều lần, giống như việc khánh thành nhà máy điện hạt nhân ở Iran. Một số chuyên gia phân tích cho rằng ông Putin có thể nhân cuộc họp cấp cao lần để đưa ra cam kết về việc hoàn tất việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Iran vào năm tới. Một số chuyên gia phân tích khác thì dự đoán Nga sẽ tiếp tục có một hành động cân bằng, để tránh chọc giận cả Iran lẫn phương Tây.

 

Trong khi đó, các nhà ngoại giao của 5 nước ủy viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết, cùng với Đức, đang yêu cầu Iran đến tháng 11/2007 phải đưa ra câu trả lời rõ ràng về những nghi vấn liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này hoặc sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn.

 

Do vậy nếu chuyến thăm Iran của Tổng thống Putin không đem lại lời giải đáp về ý định giải quyết vấn đề hạt nhân Iran của Điện Kremlin, các cuộc thảo luận tại LHQ vào tháng tới có thể sẽ phải lấp đầy khá nhiều khoảng trống.

 

KV

Theo AP