1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Toàn văn bài phát biểu chia tay xúc động của ông Obama

(Dân trí) - Con đường để tới những thành tựu không ít gập ghềnh, gian nan và đôi khi phải trả bằng máu. Để tiến hai bước, chúng ta thường phải lùi lại một bước. Tuy nhiên, chiều dài của nước Mỹ được thể hiện bằng xu hướng tiến lên phía trước và sự mở rộng không ngừng của nguyên tắc chấp nhận tất cả chứ không phải chỉ một số.

Tối ngày 10/1 giờ Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu từ biệt đầy xúc động tại thành phố quê nhà Chicago trước khi mãn nhiệm vào ngày 20/1 tới. Dưới đây là lược dịch bài phát biểu của ông.

Xem toàn văn bài phát biểu chia tay của Tổng thống Obama


Tổng thống Obama phát biểu tại Chicago tối ngày 10/1 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Obama phát biểu tại Chicago tối ngày 10/1 (Ảnh: Reuters)

Thật tuyệt vời khi được trở về nhà. Hỡi người dân Mỹ, tôi và Michelle vô cùng cảm động trước những lời chúc tốt lành mà các bạn đã dành cho chúng tôi trong những tuần qua. Tuy nhiên, tối nay, đến lượt tôi nói lời cảm ơn… Các bạn chính là người giúp tôi luôn thành thực, mang lại cảm hứng cho tôi và giúp tôi luôn hướng về phía trước. Tôi học được rất nhiều điều từ các bạn. Các bạn giúp tôi trở thành một tổng thống tốt, một người đàn ông tốt.

Tôi đến Chicago lần đầu tiên khi ngoài 20 tuổi, khi đó tôi vẫn đang cố xác định xem tôi là ai và tìm kiếm mục đích của đời mình. Tôi bắt đầu làm việc cho một nhóm ở nhà thờ không xa nơi đây, gần đó có các nhà máy thép đóng cửa. Trên những con phố đó, tôi chứng kiến sức mạnh của niềm tin và nỗ lực thầm lặng của những người lao động đang đối mặt với mất mát và khó khăn.

Đó là nơi tôi học được rằng thay đổi chỉ xảy ra khi có những con người bình thường tham gia, gắn kết vì nhu cầu đổi thay. Sau 8 năm làm Tổng thống, tôi vẫn tin vào điều đó. Và đó không chỉ là niềm tin của tôi. Đó là trái tim đang đập của nước Mỹ.

Có thể khẳng định rằng tất cả chúng ta được tạo ra bình đẳng, được Thượng đế trao những quyền không thể phủ nhận, trong đó có quyền được sống, được tự do và theo đuổi hạnh phúc. Trong 240 năm qua, lời kêu gọi của đất nước chúng ta về quyền công dân được coi là mục đích và nghĩa vụ của mỗi thế hệ. Vì lẽ đó mà những người yêu nước chọn chế độ cộng hòa thay vì chuyên chế, vì lẽ đó mà những người tiên phong mở rộng về phía tây, vì lẽ đó mà những người nô lệ quả cảm có thể xây nên chuyến tàu đến với tự do.

Đó cũng chính là điều chúng ta muốn nói rằng Mỹ là một đất nước phi thường. Không phải vì đất nước chúng ta hoàn hảo ngay từ đầu, mà là chúng ta cho thấy khả năng thay đổi và khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn cho những thế hệ mai sau.

Vâng, con đường để tới những thành tựu này không ít gập ghềnh, gian nan và đôi khi phải trả bằng máu. Để tiến hai bước, chúng ta thường phải lùi lại một bước. Tuy nhiên, chiều dài của nước Mỹ được thể hiện bằng xu hướng tiến lên phía trước và sự mở rộng không ngừng của nguyên tắc chấp nhận tất cả chứ không phải chỉ một số.

Nếu cách đây 8 năm tôi nói với các bạn rằng nước Mỹ sẽ vượt qua được một cuộc đại suy thoái, thúc đẩy ngành chế tạo ô tô, tạo ra một thời kỳ tăng trưởng việc làm dài nhất trong lịch sử; nếu tôi nói với các bạn rằng chúng ta sẽ mở ra một chương mới với người dân Cuba, ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Iran mà không cần đến một viên đạn nào, và tiêu diệt kẻ chủ mưu vụ khủng bố 11/9; nếu tôi nói với các bạn rằng chúng ta sẽ có được bình đẳng hôn nhân, mang lại bảo hiểm y tế cho thêm 20 triệu người dân..., các bạn có thể sẽ nói rằng tôi đặt mục tiêu hơi cao.

Nhưng đó thực sự là những gì mà chúng ta đã làm. Những gì các bạn đã làm. Chính các bạn là sự đổi thay. Các bạn đã trả lời nguyện vọng của người dân, chính nhờ các bạn, nước Mỹ đã trở nên tốt hơn và mạnh hơn so với khi tôi nhậm chức.

Trong 10 ngày tới, thế giới sẽ chứng kiến một cột mốc trong nền dân chủ của chúng ta: đó là sự chuyển giao quyền lực êm thấm từ một tổng thống do dân bầu cho người kế nhiệm. Tôi đã cam kết với Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng chúng tôi sẽ đảm bảo một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ nhất có thể, giống những gì Tổng thống Bush đã làm với tôi. Bởi vì tất cả đều phụ thuộc vào chúng tôi trong việc bảo đảm rằng chính phủ của chúng ta có thể giúp nước Mỹ đương đầu với nhiều thách thức mà chúng ta sẽ phải đối mặt.

Chúng ta có đầy đủ những gì cần thiết để làm được điều đó. Suy cho cùng, chúng ta vẫn là quốc gia giàu mạnh nhất, quyền lực nhất và được kính nể nhất trên trái đất này. Sức trẻ và động lực, sự đa dạng và cởi mở, cùng khả năng chấp nhận rủi ro vô hạn và sự đổi mới liên tục, tất cả những điều này đồng nghĩa với việc tương lai nằm trong tay chúng ta.

Vậy nhưng, những tiềm năng đó sẽ chỉ được phát huy nếu nền dân chủ của chúng ta được vận hành, nếu hệ thống chính trị của chúng ta phản ánh được sự đúng đắn của người dân, nếu tất cả chúng ta, bất kể đến từ đảng phái hay có lợi ích riêng biệt nào, có thể hồi sinh những suy nghĩ nhằm hướng tới một mục tiêu chung, vốn là điều mà chúng ta thực sự cần vào lúc này.

Đó là điều mà tôi muốn nhấn mạnh trong bài phát biểu tối nay - về thực trạng nền dân chủ của chúng ta.

Nền dân chủ sẽ không hoạt động nếu thiếu đi một điều rằng tất cả mọi người đều phải có cơ hội kinh tế. Ngày nay, nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại, lương bổng, thu nhập, giá trị của nhà cửa và các khoản lương hưu đều tăng trở lại, trong khi tỷ lệ nghèo đói đang giảm đi. Những người giàu đang đóng thuế công bằng hơn. Tỷ lệ thất nghiệp gần đạt mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tỷ lệ người dân không có bảo hiểm chưa bao giờ thấp hơn thế. Chi phí chăm sóc sức khỏe đang tăng với tỷ lệ chậm nhất trong vòng 50 năm qua.

Tuy nhiên, nhìn lại tất cả những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được, chúng ta hiểu rằng như vậy vẫn là chưa đủ. Nền kinh tế không thể vận hành hiệu quả và tăng trưởng nhanh khi chỉ có một vài người ăn nên làm ra trong khi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên. Trong khi chỉ 1% dân số chiếm phần lớn sự giàu có và thu nhập cao trong xã hội, thì vẫn còn có nhiều gia đình, sống cả ở những thành phố và vùng nông thôn, bị bỏ lại phía sau. Họ là những công nhân làm việc trong các nhà máy mà bị nợ lương, là những người phục vụ bàn và những nhân viên y tế đang hàng ngày phải chật vật chi trả cho các hóa đơn thanh toán.

Sẽ không thể giải quyết nhanh chóng vấn đề dài hạn này. Tôi đồng ý rằng nền thương mại của chúng ta nên công bằng, chứ không chỉ đơn thuần là tự do. Tuy nhiên, làn sóng chuyển biến kinh tế sắp tới không hẳn đến từ nước ngoài. Nó có thể xuất phát từ chính tốc độ tự động hóa ngày càng tăng trong nền kinh tế, khiến cho nhiều công việc của những người lao động thuộc tầng lớp trung lưu trở nên lỗi thời.

Như vậy, chúng ta phải tạo ra một khế ước xã hội mới để đảm bảo rằng tất cả con em chúng ta đều được học tập đầy đủ, tạo điều kiện cho người lao động liên hiệp lại để có mức thu nhập tốt hơn, nâng cấp mạng lưới an sinh xã hội để phản ánh đầy đủ mức sống hiện nay và thực hiện cải cách thuế sao cho các tập đoàn và cá nhân được hưởng lợi nhiều nhất từ cơ cấu kinh tế mới không thể lảng tránh nghĩa vụ đóng thuế đối với đất nước đã giúp họ đạt được thành công như vậy.

Tôi cũng nhắc tới mối đe dọa thứ hai đối với nền dân chủ của chúng ta, cũng là mối đe dọa đã gắn liền với lịch sử nước Mỹ. Sau khi tôi nhậm chức, có nhiều người nói về một nước Mỹ phi sắc tộc. Mặc dù đây là ý kiến tốt nhưng đó không phải là một góc nhìn thực tế. Bởi lẽ, sắc tộc vẫn là vấn đề gây chia rẽ mạnh mẽ trong xã hội chúng ta. Tôi sống đủ lâu để biết rằng quan hệ giữa các sắc tộc hiện nay đã tốt hơn so với cách đây 10, 20 hay 30 năm. Các bạn có thể thấy điều đó không chỉ qua các con số thống kê, mà còn ở thái độ của giới trẻ Mỹ.

Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa đến được nơi cần đến. Tất cả chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Nếu chúng ta không đầu tư vào con cái của những người nhập cư, chỉ vì chúng không giống với chúng ta, thì điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang làm tổn hại đến chính tương lai của con em mình. Bởi những đứa trẻ da màu ấy sẽ chiếm phần lớn trong lực lượng lao động Mỹ. Và nền kinh tế của chúng ta cũng không nhất thiết phải vận hành theo kiểu “kẻ thắng, người bại” như vậy. Như năm ngoái, thu nhập dành cho mọi sắc tộc, mọi lứa tuổi, cho cả nam và nữ đều tăng.

Để tiến về phía trước, chúng ta phải thúc đẩy luật chống phân biệt đối xử, trong việc thuê mướn, trong việc mua nhà, trong việc giáo dục và cả trong hệ thống pháp luật. Nhưng chỉ luật không thôi thì vẫn chưa đủ. Những trái tim cũng phải thay đổi.

Đối với những người da màu và những cộng đồng thiểu số khác, việc đấu tranh để giành lại công lý đồng nghĩa với các thách thức mà nhiều người trên đất nước này phải đối mặt. Đó là những người nhập cư, người tị nạn, người dân nghèo ở các vùng nông thôn, người Mỹ chuyển giới và thậm chí cả những người da trắng trung niên - nhóm người mà nếu nhìn từ bên ngoài thì có vẻ như được tiếp nhận toàn bộ những gì thuận lợi nhất, nhưng thực chất cuộc sống của họ vẫn bị bủa vây bởi những thay đổi về kinh tế, văn hóa và công nghệ.

Dù chúng ta xuất xứ như thế nào thì cũng đều phải nỗ lực hơn. Chúng ta phải khởi đầu với tiền đề rằng mỗi một công dân đều yêu mến đất nước này nhiều như chúng ta, họ cũng coi trọng giá trị của lao động vất vả và gia đình như chúng ta. Con cái của họ cũng tò mò và tràn đầy hy vọng cũng như xứng đáng được yêu thương như con cái chúng ta.

Chúng ta đang ngày càng trở nên an toàn trong vỏ bọc của riêng mình, tới mức chúng ta chỉ chấp nhận những thông tin, dù chưa biết đúng hay sai, phù hợp với quan điểm của chúng ta, thay vì xây dựng quan điểm dựa trên những bằng chứng thực tế. Xu hướng này đang tạo ra mối đe dọa thứ 3 cho nền dân chủ.

Đó có phải là nguyên nhân khiến mọi người mất niềm tin vào chính trị. Làm thế nào mà các quan chức được bầu lại tức giận về thâm hụt ngân sách khi chúng ta đề xuất chi tiền cho chương trình học của trẻ em mẫu giáo, nhưng lại im lặng khi chúng ta cắt giảm thuế doanh nghiệp? Làm thế nào mà chúng ta có thể lờ đi những sai lầm về đạo đức trong đảng của mình, nhưng lại nhảy dựng lên khi đảng khác làm như vậy? Đó không chỉ đơn thuần là sự không trung thực, việc chúng ta tự chọn lọc những thông tin thực tế theo cách của mình chính là tự đánh bại chính mình. Mẹ tôi thường nói rằng, sự thật sẽ luôn bám theo bạn.

Mời độc giả xem tiếp phần 2 tại đây

Minh Phương

(Lược dịch)