1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tình hình Ukraina sẽ ra sao trong năm 2016?

Trước khi kết thúc năm 2015, Mỹ và EU tiếp tục tung ra những đòn trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới vấn đề Ukraina.

Tình hình Ukraina sẽ ra sao trong năm 2016? - 1

Lực lượng quân đội Ukraine.

Theo dự báo, căng thẳng Nga-phương Tây xung quanh vấn đề này còn kéo dài sang năm 2016 và có thể còn lâu hơn nữa bất chấp việc hai bên đã có những điểm tương đồng trong vấn đề chống khủng bố.

Ngày 21/12, Liên minh châu Âu (EU) đã ra quyết định kéo dài trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm sáu tháng nữa, do sự can thiệp của Nga tại miền đông Ukraina. Theo đó, lệnh trừng phạt Nga của EU sẽ kéo dài đến ngày 31/7/2016.

Các biện pháp trừng phạt đầu tiên nhắm vào lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng và dầu lửa của Nga đã được đưa ra vào tháng 7/2014 sau vụ một chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị bắn rơi tại miền đông Ukraina. Châu Âu cũng lập ra một danh sách đen các nhân vật Nga và Ukraina bị cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản. Moskva đáp trả với việc cấm vận nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm châu Âu.

Việc trừng phạt kinh tế thường xuyên được EU gia hạn từ mùa hè 2014.

Phản ứng trước thông báo trên của EU, ngày 21/12, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố: “Rõ ràng là thay vì hợp tác chống những thách thức hiện nay như khủng bố quốc tế, Brussels lại thích chơi trò thiển cận trừng phạt kinh tế”. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định cuộc xung đột ở miền đông Ukraina không phải do Nga mà là do chính quyền Ukraina hiện nay gây ra. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cũng lên án "thái độ đạo đức giả" của Liên minh châu Âu qua việc triển hạn các trừng phạt kinh tế.

Ngay sau thông báo của EU, ngày 22/12, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Nhà Trắng sẽ tiếp tục áp đặt cấm vận đối với 34 cá nhân và tổ chức ở Nga nhằm gây sức ép buộc nước này phải dừng những hoạt động liên quan đến Ukraina. "Những biện pháp này nhằm củng cố cam kết của Mỹ trong việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraina, qua việc duy trì trừng phạt đối với Nga",  thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ. Tuyên bố trên cũng khẳng định Mỹ sẽ không ngừng trừng phạt đến khi Nga thực hiện đầy đủ những cam kết của nước này theo thỏa thuận hòa bình Minsk, "bao gồm trao trả quyền kiểm soát biên giới của Ukraina với Nga".

Về phần mình, Nga nêu rõ đợt trừng phạt mới của Mỹ là sự tiếp nối lập trường “thù địch” nhằm vào Nga và Moskva sẽ cân nhắc các biện pháp đáp trả thích hợp. Phát ngôn viên của Tổng thống Nga nói ông lấy làm tiếc rằng "trái với lẽ thường, trái với sự cần thiết phải phối hợp với nhau, tăng cường hợp tác, Washington và EU lại lựa chọn đường lối như vậy, trái ngược hẳn với các yêu cầu của thời đại".

Liên quan tới Ukraina, ngày 22/12, Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev thông báo lệnh cấm vận chưa từng thấy trong lịch sử hai nước. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2016, không một mặt hàng thực phẩm nào của Ukraina có thể lọt vào lãnh thổ Nga. Quan hệ giữa Moskva và Kiev lại xuống cấp, nhưng lần này trên mặt trận kinh tế. Giới quan sát cho rằng, đối với kinh tế Ukraina vốn đã lao đao do chiến tranh, biện pháp này sẽ có tác động ngay lập tức. Trên thực tế, EU là đối tác thương mại chính của Kiev, chiếm ¼ các trao đổi. Tuy vậy buôn bán với nước Nga láng giềng vẫn đạt 20%, và hai nền kinh tế rất lệ thuộc lẫn nhau.

Phản ứng lại, ngoài việc thông báo đáp trả bằng các biện pháp thương mại tương tự, Ukraina còn “trả thù” Nga trong cả lĩnh vực văn hóa giáo dục. Ngày 22/12, theo Korrespondent.net, tại một số trường trung học ở Kiev đã cho lưu hành một bản ghi nhớ với lời khuyên về việc làm thế nào để quên tiếng Nga. Bản ghi nhớ khuyến cáo trước hết phải "tiêu diệt" bàn phím chữ Nga "để thoát khỏi sự cám dỗ" chuyển sang ngôn ngữ Nga. Bản ghi nhớ cũng kêu gọi nói tiếng Ukraina khi giao tiếp với những người nói tiếng Nga. "Hãy quên lịch sử đi"-bản ghi nhớ nêu rõ.

Đây là “cố gắng” mới nhất của chính quyền Kiev trong việc chối bỏ yếu tố Nga trong xã hội Ukraina sau khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng do vấn đề Crưm và miền đông Ukraina.

Về tình hình Crưm trong năm tới, ngày 24/12, phát biểu trên kênh truyền hình NTV, lãnh đạo Crưm Sergey Aksenov khuyên Tổng thống Ukraina Poroshenko hãy thôi ước vọng giành lại bán đảo và đừng xây dựng bất kỳ chiến lược nào trong vấn đề này, bởi người dân Crưm đã thực hiện sự lựa chọn thống nhất với nước Nga.

Dự báo về quan hệ Nga-phương Tây trong năm 2016, tờ báo Đức Wirtschafts Nachrichten ra ngày 23/12 cho rằng việc cả EU và Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga vì liên quan tới vấn đề Ukraina sẽ càng khiến cuộc khủng hoảng tại Ukraina thêm trầm trọng.

Tờ báo Đức ghi nhận rằng Moskva đã có không ít nỗ lực để khắc phục xung đột và cho thấy Nga luôn luôn cởi mở dành cho đối thoại. Nhưng thay vì thúc đẩy quá trình khắc phục khủng hoảng ở Ukraina, phương Tây lại quay sang làm khó Nga thông qua việc gia hạn biện pháp trừng phạt. Theo Wirtschafts Nachrichten, điều này một mặt kích động chính sách hiếu chiến của Kiev, mặt khác càng làm cho Nga trở nên cứng rắn hơn, từ đó mong muốn hòa bình cho Ukraina càng xa vời.

Theo /AFP, AP...

PetroTimes