1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Gọng kìm tài chính tiêu diệt IS:

Thực thi và... thiện chí đóng vai trò quyết định

(Dân trí) - Về thực thi Nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm làm cạn kiệt nguồn tài chính của IS, báo chí Pháp ngày 18-12 vẫn cho rằng nói thì dễ nhưng làm mới khó.

Thực thi và... thiện chí đóng vai trò quyết định - 1

Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết làm cạn kiệt nguồn tài chính của IS. (Ảnh: AFP)

Theo phóng viên RFI tại trụ sở Liên Hợp Quốc, New York, Nghị quyết tấn công các đường dây kinh tài của IS đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc biểu quyết thông qua ngày 17-12.

Trước đó, trong cuộc thảo luận tại New York, Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh IS đã như là một “nhà nước” thực sự. Điều này tạo ra sức mạnh cho IS. Nhưng đây cũng chính là điểm yếu của tổ chức này vì mỗi tháng IS cần khoảng 74 triệu euro để đáp ứng nhu cầu của người dân sinh sống trong vùng lãnh thổ do IS kiểm soát.

Thực thi và... thiện chí đóng vai trò quyết định - 2

Từ phải sang trái , Bộ trưởng Tài chính các nước Pháp, Anh và Mỹ tại cuộc họp báo ở Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York ngày 17/12. (Ảnh AFP)

Để có tiền, IS buôn bán trái phép dầu mỏ, tống tiền và buôn lậu cổ vật... Tới khi nào cắt đứt được nguồn tài chính này, cộng đồng quốc tế mới hy vọng hạn chế được ảnh hưởng của IS. Thế nhưng công việc này cần có sự hợp tác của tất cả các nước, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ - nơi trung chuyển khối lượng lớn dầu lửa của IS.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Liên Hợp Quốc. Với tư cách là một Nhà nước, Thổ Nhĩ Kỳ phải tiếp tục đấu tranh chống lại mọi hình thức buôn lậu của IS. Đây là một nghĩa vụ đối với Thổ Nhĩ Kỳ cũng như đối với các nước ở kế bên hoặc kể cả ở xa vùng IS kiểm soát.

Nghị quyết vừa được thông qua nêu vấn đề rất rõ rằng Liên Hợp Quốc yêu cầu tất cả các chính phủ cũng như khu vực kinh tế tư nhân, ngân hàng phải truy lùng các nguồn tài chính bất hợp pháp. Các nước có 4 tháng để đưa ra những biện pháp cụ thể, nếu không Liên Hợp Quốc có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt như phong tỏa tài sản.

Nghị quyết này chủ yếu nhằm gia tăng sức ép chính trị đối với IS và để có hiệu quả thì việc thực thi đóng vai trò quyết định.

Báo Les Echos ngày 18-12 đặt câu hỏi Liên Hợp Quốc “làm cạn nguồn tài chính của IS” bằng cách nào, bởi đây là lần đầu tiên Liên Hợp Quốc cho phép các nước sử dụng luật pháp để phong tỏa tài sản của những cá nhân và công ty liên quan đến các nguồn tài chính của khủng bố.

Thực thi và... thiện chí đóng vai trò quyết định - 3

Đoàn xe camion-citerne chở dầu vượt qua biên giới Thổ Nhĩ kỳ. (Ảnh AFP)

Tờ Le Figaro dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin đánh giá Nghị quyết này là một thông điệp chính trị mạnh mẽ và cứng rắn của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ và Nga.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm phân tích chống khủng bố Jean-Charles Brisard, vấn đề là nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Bởi như biện pháp tương tự chống Al Qeada đã được thi hành từ 16 năm qua, nhưng cho đến nay mới chỉ phong tỏa được khoảng 100 triệu USD mà thôi.

Khác với Al Qeada, nguồn tiền của IS không phải do quyên góp mà chủ yếu xuất phát từ hệ thống kinh tế, tài chính riêng, đánh thuế dân chúng ở vùng IS kiểm soát, bán lậu dầu mỏ mà những bên trung gian rất kín đáo và rất khó truy ra tông tích.

Đã vậy, theo Le Figaro, nỗ lực truy tìm có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào thiện chí của các thành viên của Liên Hợp Quốc. Trong khi một số chuyên gia vẫn nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ bao che cho thị trường chợ đen béo bở này.

Quý Cao (tổng hợp từ báo chí Pháp)