1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng việc trì hoãn kết nạp Thụy Điển vào NATO

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Thụy Điển vẫn chưa hành động đủ để bảo đảm một vị trí của nước này với tư cách là thành viên NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng việc trì hoãn kết nạp Thụy Điển vào NATO - 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: AP).

Phát biểu với PBS News hôm 18/9, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan xác nhận, việc quyết định tư cách thành viên NATO của Thụy Điển sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cơ quan này triệu tập trở lại vào tháng 10. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu cuộc bỏ phiếu có diễn ra sớm hay không, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng: "Tất nhiên, để điều đó xảy ra, Thụy Điển phải giữ lời hứa".

Khi đề cập đến các nhóm người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh các tổ chức này "nên dừng ngay lập tức các cuộc biểu tình trên đường phố Stockholm và họ nên dừng các hoạt động của mình vì việc chứng kiến điều này diễn ra sẽ rất quan trọng đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ".

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng thừa nhận Thụy Điển dường như đã sửa đổi luật pháp để giải quyết vấn đề này nhưng "như vậy là chưa đủ".

Thụy Điển và nước láng giềng Bắc Âu, Phần Lan, đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022, sau khi cuộc xung đột Ukraine bắt đầu. Tuy nhiên, trong khi Phần Lan đã trở thành thành viên của NATO, khối quân sự do Mỹ dẫn đầu, vào tháng 4, nỗ lực của Thụy Điển vẫn còn trong tình trạng lấp lửng do Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chưa sẵn sàng phê chuẩn đơn xin gia nhập của Thụy Điển.

Trong khi Hungary liên tục bày tỏ sự không hài lòng đối với Thụy Điển vì chỉ trích tình trạng dân chủ ở quốc gia Trung Âu, Thổ Nhĩ Kỳ lại yêu cầu Thụy Điển phải hành động nhiều hơn nữa để trấn áp các nhóm người Kurd. Một điểm gây tranh cãi khác đối với Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ việc đốt kinh Koran liên tục ở Thụy Điển.

Vào tháng 7, Tổng thống Erdogan đã đồng ý chuyển hồ sơ đăng ký thành viên NATO của Thụy Điển lên Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc gặp với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Trong tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh, 3 nhà lãnh đạo nhấn mạnh Thụy Điển đã thay đổi luật chống khủng bố, mở rộng hợp tác chống khủng bố chống lại Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và bắt đầu xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo RT