1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thấy gì từ việc tên lửa chống hạm Nga tập kích mục tiêu mặt đất ở Ukraine?

Quốc Đạt

(Dân trí) - Nga lần đầu dùng tên lửa siêu thanh chống hạm thời Chiến tranh Lạnh để tấn công mục tiêu mặt đất tại Ukraine, theo phân tích của chuyên gia quân sự dựa trên ảnh chụp được chia sẻ trên mạng xã hội.

Thấy gì từ việc tên lửa chống hạm Nga tập kích mục tiêu mặt đất ở Ukraine? - 1

Ảnh chụp xác tên lửa tại Ukraine được cho là SSC-1B Sepal (trên), so với ảnh một tên lửa P-35 (Ảnh: Defense.ua).

Ảnh chụp mảnh vỡ tên lửa bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội từ ngày 18/1. Theo thông tin chưa được xác nhận, quả tên lửa trong ảnh đã bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ.

Các nhóm trên mạng xã hội chưa thống nhất về biến thể của tên lửa trong ảnh chụp, có thể là P-35, P-35B hoặc 3M44, theo cách gọi tên của Nga. Theo War Zone, cả 3 model trên đều có liên quan với nhau, có hình dáng tương tự nhau, và được phương Tây gọi chung là SSC-1B Sepal.

Tên lửa chống hạm P-35B bắt đầu được dùng để phòng thủ bờ biển vào đầu những năm 1960, có tầm bắn hiệu quả là hơn 430km. Được trang bị động cơ phản lực với 2 tên lửa đẩy nhiên liệu rắn trong quá trình phóng, P-35B nặng khoảng 4,6 tấn, dài khoảng 10m.

Đầu những năm 1980, tên lửa phòng thủ bờ biển P-35B được thay thế bởi 3M44, với tầm bắn hiệu quả được báo cáo là hơn 460km. Biến thể này có thể mang đầu đạn hạt nhân ngoài tùy chọn đầu đạn thông thường nặng 900kg.

Cho tới cuối năm 2020, những tên lửa này vẫn được sử dụng để bảo vệ cảng chiến lược Sevastopol tại bán đảo Crimea mà Nga tuyên bố sáp nhập từ năm 2014.

Hiện chưa rõ bức ảnh chụp xác tên lửa gần đây được chụp ở địa điểm nào của Ukraine và vào thời điểm nào.

Theo War Zone, SSC-1B Sepal trước đây chưa từng được bắt gặp trong cuộc xung đột Ukraine. Dù biến thể là gì, tên lửa này được xác định là đã nhắm vào mục tiêu trên đất liền thay vì tàu thuyền, do Ukraine hiện không còn tàu hải quân lớn.

Dù nguồn gốc tên lửa và biến thể là gì, War Zone cho rằng bức ảnh chụp mảnh vỡ là bằng chứng cho thấy Nga đang sử dụng các tên lửa không tiêu chuẩn để tấn công mục tiêu mặt đất.

Nguyên nhân của việc này có thể là do thiếu hụt tên lửa hành trình tấn công mặt đất và tên lửa đạn đạo chuyên dụng, cùng với những khó khăn trong sản xuất tên lửa mới trước áp lực của các biện pháp trừng phạt phương Tây.

Theo War Zone