1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thái Lan "trong cơn bão chính trị"

(Dân trí) - Chính trường Thái Lan vốn luôn bất ổn sau cuộc đảo chính, lại càng đặc biệt căng thẳng sau việc Ủy ban Kiểm tra Tài Sản nước này ngày 12/6 ra quyết định phong tỏa các tài khoản có tổng trị giá lên tới 1,5 tỷ USD của gia đình cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Các nhà phân tích cho rằng việc phong tỏa tài sản này có thể dẫn tới những hậu quả bất ngờ và không mong muốn đối với chính phủ do quân đội chỉ định và khiến nhiều người ủng hộ Thaksin xuống đường.

 

Giải thích cho hành động trên, chính quyền quân sự Thái Lan ngày 12/6 cho biết họ hy vọng việc phong tỏa tài sản của gia đình ông Thaksin sẽ giúp cắt đứt nguồn tài trợ cho các cuộc biểu tình chống đảo chính, nhưng những người ủng hộ ông Thaksin lại cho rằng động thái trên sẽ chỉ càng kích động thêm các cuộc biểu tình phản đối.

 

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Thaksin gọi đây là một quyết định bất công và ông sẽ đấu tranh đến cùng. Ông Thaksin cũng cho rằng quyết định trên là mang động cơ chính trị và tuyên bố ông không đóng bất kỳ vai trò nào trong làn sóng các cuộc biểu tình ngày càng dâng cao hiện nay tại Thái Lan.

 

Trong khi đó, trợ lý thân cận của ông Thaksin là Noppadon Pattama cho hay ông sẽ thành lập một nhóm luật sư để khiếu kiện dân sự chống Ủy ban Kiểm tra Tài Sản (AEC).

 

Phát biểu trên một chương trình phát thanh ở Bangkok, nhà bình luận chính trị Sukhum Nualskul nói: "Không thể tránh khỏi việc phái khác sẽ phản công mạnh mẽ. Dù AEC có giải thích như thế nào thì họ cũng không thể ngăn mọi người nghĩ rằng đây là một quyết định mang động cơ chính trị. Dân chúng sẽ cảm thông với Thaksin".

 

Phản ứng trước quyết định này, Công ty luật đại diện cho ông Thaksin tại Mỹ, Baker Botts, cho rằng việc phong tỏa tài sản của ông Thaksin "rõ ràng nhắc nhở mọi người rằng Thái Lan vẫn nằm dưới sự kìm kẹp của quân đội".

 

Jatuporn Prompan, lãnh đạo chiến dịch biểu tình trên đường phố ủng hộ Thaksin, đã thu hút 10.000 người ủng hộ ở Bangkok hôm 9/6, gọi việc phong tỏa tài sản này là "sự chỉ đạo của một tòa án xử theo luật giang hồ" sẽ khiến những người ủng hộ ông tức giận. Ông nói: "Hội đồng An ninh quốc gia (CNS) sai lầm khi tin rằng họ có thể cắt nguồn tài trợ cho các cuộc biểu tình bằng cách phong tỏa tài sản của Thaksin. Việc phong tỏa này sẽ làm tăng số người biểu tình trên đường phố chống lại sự lạm dụng quyền lực của CNS".

 

Nattawut Saikuar, một nhà tổ chức biểu tình khác, nói: "Đó là một quyết định gây chia rẽ và chỉ càng làm cho nhiều người tham gia biểu tình. Những người biểu tình dùng tiền riêng của họ, chứ không trông cậy sự hỗ trợ tài chính của ông Thaksin. Phe đảo chính có thể phong tỏa tài sản của Thaksin, nhưng họ không thể phong tỏa nguyện vọng dân chủ trong những con tim của người dân Thái Lan". 

 

Báo "Dân tộc" của Thái Lan ra ngày 12/6 cũng cho rằng một quyết định như vậy có thể  là một hành động "đổ thêm dầu vào lửa". Theo báo này, tình hình có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát, ảnh hưởng đến tiến trình soạn thảo hiến pháp cũng như cuộc bầu cử dự định tổ chức vào cuối năm nay. Quyết định này có thể giúp các thành viên của đảng "Người Thái yêu người Thái" (TRT), vốn đang bị dao động sau khi TRT bị giải thể, tập hợp lực lượng.

 

Trong khi đó, phản ứng trước thông tin ông Thaksin sẽ trở về nước Chủ tịch CNS, Tướng Sonthi Boonyaratkalin, cho biết ông Thaksin sẽ không bị bắt giữ hoặc cấm hoạt động chính trị khi về nước, nhưng có thể bị đe dọa tính mạng vì có rất nhiều người trong nước chống lại ông.

 

Một số nhà quan sát cho rằng quyết định của AEC sẽ khiến tình hình chính trị Thái Lan càng thêm bất ổn và gây những hậu quả khó lường, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thời gian biểu tổ chức tổng tuyển cử, dự định vào ngày 16 hoặc 23/12 tới. Một số nhà phân tích lại lo ngại về tuyên bố của Tướng Sonthi, cho rằng nó ẩn chứa những dấu hiệu nguy hiểm về nguy cơ xảy ra bạo lực tại Thái Lan.

Kiến Văn