1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Tại sao phải thay đổi chiến lược ngoại giao?

Ngày 9/1, tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, tàu tiếp tế dân sự lớn nhất và hiện đại nhất Trung Quốc Tam Sa 1 có khả năng vận chuyển xe tăng đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong trường hợp có xung đột xảy ra.

Trước đó (5/1), tàu Tam Sa 1 có chuyến hải trình đầu tiên từ thành phố Văn Xương thuộc đảo Hải Nam đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Ngày 10/1, tờ Want China Times đưa tin, Trung Quốc sắp sử dụng tàu Hoa Hổ với tải trọng 5.300 tấn, trị giá gần 83 triệu USD, có khả năng chịu bão để kéo giàn khoan ra Biển Đông.

Có phải thay đổi để hòa nhập?

Ngày 8/1, tờ Học giả ngoại giao (Nhật Bản) cho rằng, trong năm 2015, Trung Quốc sẽ có điều chỉnh trong xử lý vấn đề Biển Đông và sự thay đổi này sẽ có ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á. Bởi Bắc Kinh vừa công khai tuyên bố, 2015 là năm hợp tác trên biển giữa Trung Quốc - ASEAN. Theo đó, Trung Quốc sẽ tận dụng năm 2015 để thực hiện các dự án đầu tư hợp tác trên biển giữa Trung Quốc - ASEAN.

Cũng trong ngày 8/1, trang mạng tin tức Rappler dẫn lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, Tướng Gregorio Catapang Jr cho biết, hoạt động cải tạo san lấp của Bắc Kinh nhằm biến bãi đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo “có thể đã hoàn thành 50%” khối lượng công việc và đây là động thái đáng báo động. Dự kiến, Trung Quốc có thể sẽ hoàn tất việc xây dựng một đường băng trên bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trong năm 2015.

Tàu chiến Nhật Bản trên vùng biển tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư

Tàu chiến Nhật Bản trên vùng biển tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư

Theo tờ Statesman Journal, động thái của Trung Quốc, diễn biến vụ kiện của Philippines về “đường lưỡi bò”, lập trường của các nước ASEAN và phản ứng của Mỹ, được coi là các nhân tố chính tác động tới an ninh Biển Đông trong năm 2015. Còn trong một bài viết cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Mỹ), chuyên gia về chính sách ngoại giao Trung Quốc, ông Nicholas Khoo dự báo, quan hệ ngày càng thắt chặt giữa Mỹ và Philippines sẽ phần nào làm “mềm hóa” sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo ông Austin Bay, Đại tá nghỉ hưu của Lực lượng Dự bị thuộc quân đội Mỹ: Liệu trong năm 2015, Trung Quốc có tiếp tục thử các nước láng giềng? Bởi Bắc Kinh từng thử Nhật Bản và Hàn Quốc khi áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, thăm dò các nước hữu quan tại Biển Đông khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Theo học giả Poling, việc Tòa án Trọng tài quốc tế phán quyết vụ kiện Trung Quốc của Philippines sẽ là một “thời điểm mang tính bước ngoặt” cho tranh chấp ở Biển Đông.

Theo nhận định của trang web Atlantico, có khả năng bùng nổ xung đột quân sự tại một số khu vực trong năm 2015, trong đó có tranh chấp tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Bởi chiến lược của Trung Quốc là lặng lẽ lấn chiếm bằng cách tăng cường sự hiện diện như đặt mốc chủ quyền, xây đảo nhân tạo, đưa ngư dân đến vùng biển của các nước lân cận. Trong khi đó, các nước có tranh chấp lại không thể cùng đưa ra đối sách chung bởi Trung Quốc biết cách khai thác quan hệ song phương với các nước nhỏ. Theo nhận định của giới chuyên môn, ngoại giao Trung Quốc chỉ là “ngoại giao nhỏ của nước lớn”, hoặc “ngoại giao nước lớn nhưng văn hóa nhỏ”. Còn theo tờ Le Monde: Ngoại giao của Trung Quốc là chính sách hai mặt: Trong khi tuyên bố muốn hội nhập quốc tế, nhưng chỉ biết có mình.

Những con số biết nói

Theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer, trong năm 2015, chính sách “tái cân bằng” của Mỹ sẽ tiếp diễn cho đến khi Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2016. Do đó, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Trung Quốc để đảm bảo một trật tự ổn định dựa trên pháp luật và các định chế quốc tế ở châu Á, dù những bất đồng giữa hai nước tiếp tục nảy sinh. Tuy nhiên, Washington sẽ cương quyết phản đối bất kỳ động thái nào của Bắc Kinh để thiết lập thế bá quyền ở châu Á. Cũng theo ông Carl Thayer, trong năm 2015, Tòa án Trọng tài quốc tế sẽ quyết định 2 vấn đề chủ chốt: Liệu Philippines có đưa ra được cơ sở pháp lý cho những vấn đề nêu ra trong đơn kiện và Tòa án Trọng tài quốc tế có thẩm quyền xử lý các vấn đề này không.

Tàu chiến Nhật Bản trên vùng biển tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư

Tháng 8/2014, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận đổ bộ quy mô lớn đánh chiếm đảo trên Biển Đông

Dự kiến, trong năm 2015, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát Biển Đông bằng nhiều chiến thuật khác nhau. Bắc Kinh sẽ tăng cường các cuộc tập trận hải quân, tăng số lượng tàu cảnh sát biển, thành lập các cơ sở nửa dân sự nửa quân sự trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây trên Biển Đông. Trung Quốc cũng sẽ mở rộng thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông bằng những giàn khoan khổng lồ như Hải Dương 981 và ít nhất 3 giàn khoan khác cỡ này. Kể cả khi Tòa án Trọng tài quốc tế ra phán quyết chống lại Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng sẽ phớt lờ phán quyết này. Bởi Bắc Kinh đang quyết thực hiện mục tiêu kiểm soát hoàn toàn Biển Đông.

Được biết, Trung Quốc đã khởi xướng quan niệm mới về an ninh châu Á. Bởi tại Hội nghị cấp cao về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) lần thứ tư được tổ chức ở Thượng Hải ngày 21/5/2014, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: “Châu Á do người châu Á giải quyết”. Ông Tập Cận Bình cũng đề xướng “giấc mơ Châu Á - Thái Bình Dương” sau khi đưa ra “giấc mơ Trung Hoa”. Và Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị cấp cao APEC (tháng 11/2014), cùng đề xuất thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Quỹ Con đường tơ lụa, Khu thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), hợp tác khí tự nhiên mới Trung - Nga, Hiệp định thương mại tự do Trung - Hàn, Trung - Australia… bởi Bắc Kinh đang có khoản dự trữ ngoại hối gần 4.000 tỉ USD.

Theo giới truyền thông, hoạt động đối ngoại của Trung Quốc trong năm 2014 diễn ra sôi động, trên toàn phương vị, để lại ấn tượng sâu sắc về “tư tưởng nước lớn”. Theo thống kê, trong năm 2014, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã thực hiện 12 chuyến công du nước ngoài, tới hơn 30 quốc gia, để chủ động đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác và tích cực tham gia giải quyết các “điểm nóng” trên thế giới.

Tại Hội nghị Công tác đối ngoại trung ương (ở Bắc Kinh trong 2 ngày 28 và 29/11/2014), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc cần có nền “ngoại giao nước lớn đặc sắc riêng có” và “công tác đối ngoại phải mang đậm sắc thái Trung Quốc, phong cách Trung Quốc và khí phách Trung Quốc”. Ngày 24/12/2014, Ngoại trưởng Vương Nghị đã giải nghĩa cụm từ “đặc sắc” mà ông Tập Cận Bình đề cập: Trung Quốc sẽ đi con đường của cường quốc, nhưng khác với con đường mà các nước lớn truyền thống đã đi qua. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc khẳng định theo đuổi chính sách “ngoại giao nước lớn”.

Vẫn khó dung hòa

Ngày 6/1, trang mạng quân sự hàng không Mỹ Foxtrotalpha đăng bài “Trung Quốc có ý đồ gì khi chế tạo tàu hải cảnh khổng lồ?”, trong đó cảnh báo về tham vọng của Trung Quốc tại khu vực. Được biết, tàu hải cảnh của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc sẽ có thể tích to hơn tàu tuần dương tên lửa lớp Ticonderoga của Mỹ tới 50%. Và tàu hải cảnh này có thể được điều tới “vùng tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải” giữa Trung Quốc với các nước hữu quan.

Cũng trong ngày 6/1, tờ The Philippine Star dẫn nhận định của Giáo sư thuộc Đại học Kentucky Robert Farley cho rằng, giá dầu tiếp tục giảm sẽ khiến cho việc khai thác năng lượng trên Biển Đông đem lại ít lợi nhuận, và điều này có thể dẫn đến giảm căng thẳng trong khu vực.

Giới phân tích cho rằng, trong năm 2014, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược “gia tăng tự tin”, trong đó có tái khẳng định chủ trương “đường lưỡi bò” (việc này đụng chạm tới lợi ích của Mỹ); và tiếp tục tăng cường quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á (thu hút họ rơi vào vòng xoáy của Bắc Kinh). Bởi đối với Trung Quốc, việc duy trì “tính độc lập” của các nước ASEAN là điều quan trọng vì điều này giúp Bắc Kinh giải quyết tranh chấp theo cách “đàm phán song phương”, chứ không giải quyết tranh chấp tổng thể với ASEAN.

Trang Carnegie Endowment dẫn bài viết của nhà nghiên cứu Thomas Carothers, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình quốc tế (Mỹ) nhận định: Trong năm 2015, Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là đấu trường cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc bởi đây là khu vực liên đới lợi ích của đa số các trung tâm quyền lực thế giới.

Tờ India Today cũng vừa đăng bài của tác giả Manoj Joshi với nhận định, trong năm 2015 quốc tế có thể chứng kiến một số thay đổi trong cách hành xử của Bắc Kinh trong quan hệ láng giềng.

Còn theo phân tích của giáo sư Hugh White, chuyên gia nghiên cứu chiến lược quốc tế của Đại học quốc gia Australia (đăng trên tạp chí Lợi ích quốc gia, Mỹ), Mỹ có thể tham chiến bảo vệ đồng minh trong trường hợp xảy ra xung đột Trung-Nhật liên quan đến tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Và điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ tham chiến phụ thuộc vào mục đích chiến
lược của mỗi bên.
 

Ngày 7/1, trang tiexue.net (một diễn đàn quân sự của Trung Quốc) đăng các bức ảnh được chụp ngày 5/1 từ vệ tinh về tình hình bồi đắp, mở rộng trái phép của Trung Quốc tại bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, Trung Quốc đã bồi đắp trái phép tại bãi đá Chữ Thập lên gần 2km2 và Bắc Kinh vẫn đang duy trì 6 tàu hút cát và hút bùn làm việc ngày đêm tại khu vực này.

Giới chuyên môn cho rằng, hoạt động bồi đắp đất của Bắc Kinh đã biến bãi đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất Trường Sa và việc mở rộng phi pháp này vẫn chưa dừng lại, có thể biến nơi đây thành một tiền đồn quan trọng cho các hoạt động quân sự cũng như thương mại của Trung Quốc.

Theo Hồng Thất Công
Báo PetroTimes