1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tác động từ vụ rò rỉ ghi âm của Đức về viện trợ cho Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Vụ việc bản ghi âm cuộc họp của các tướng Đức về viện trợ quân sự cho Ukraine bị rò rỉ đã thực sự khiến quan hệ giữa phương Tây và Nga thêm căng thẳng.

Tác động từ vụ rò rỉ ghi âm của Đức về viện trợ cho Ukraine - 1

Tư lệnh không quân Đức Ingo Gerhartz (Ảnh: Reuters).

Truyền thông Nga hôm 1/3 gây bất ngờ khi công bố đoạn ghi âm dài 38 phút về nội dung cuộc họp giữa các quan chức quân sự cấp cao của Đức diễn ra ngày 19/2, trong đó có Tư lệnh không quân Ingo Gerhartz, Cục trưởng Cục tác chiến không quân Frank Graefe.

Vấn đề gây sóng gió là nội dung chú trọng của cuộc họp là để thảo luận về khả năng viện trợ tên lửa hành trình tầm xa Taurus KEPD 350 cho Ukraine và cách chúng có thể được dùng để tập kích mục tiêu Nga, trong đó có cầu Crimea.

Tư lệnh Gerhartz cũng bàn nhiều thông tin tuyệt mật khác về cách hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Ngoài phương án chuyển tên lửa đến Ukraine, các tướng Đức còn bàn về thông tin chiến thuật và khả năng tiếp thu của binh sĩ Ukraine.

"Không ai rõ vì sao Thủ tướng Olaf Scholz của chúng ta luôn ngăn chặn nỗ lực chuyển giao tên lửa cho Ukraine và chính điều này làm bùng lên nhưng tin đồn thất thiệt. Chúng ta đã được yêu cầu lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này. Tôi hiểu rõ phía Anh làm như thế nào", tướng Gerhartz nói trong bản ghi âm khi bắt đầu cuộc họp.

Vụ việc lần này không chỉ làm lộ rất nhiều thông tin quân sự nhạy cảm của Đức, nó còn gây lo ngại và chia rẽ giữa một số quốc gia thành viên NATO, giữa bối cảnh Thủ tướng Scholz khiến London không hài lòng vì tiết lộ quân đội Anh đang triển khai binh sĩ tại Ukraine để giúp không quân nước này sử dụng tên lửa Storm Shadow.

Theo các chuyên gia vụ việc lần này cũng được đánh giá là thắng lợi tuyên truyền cho Nga.

Chính phủ Đức đã xác nhận tính xác thực của cuộc gọi nhưng khẳng định hệ thống thông tin liên lạc của quân đội Đức không bị xâm nhập. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 5/3 cho biết, Nga chặn được nội dung cuộc họp là do một sĩ quan tham gia cuộc họp khi đang dự Triển lãm Hàng không Singapore, sử dụng kết nối không đảm bảo khiến nội dung bị chặn thu.

"Hệ thống thông tin liên lạc của quân đội Đức không bị xâm nhập. Cuộc họp bị chặn thu là do lỗi cá nhân. Đây là một sai lầm nghiêm trọng đáng lẽ không được phép để xảy ra", Bộ trưởng Pistorius nhấn mạnh. Ông cũng cho biết không có điệp viên Nga nào tham gia cuộc họp.

Bộ trưởng Pistorius cũng khẳng định quân đội Đức chưa cân nhắc truy cứu trách nhiệm cá nhân về vụ việc. Ông cho hay đã gọi điện báo cho đồng minh về sự cố rò rỉ thông tin và được trấn an rằng niềm tin của họ với Đức không suy giảm.

Các đồng minh của Đức không công khai chỉ trích vụ rò rỉ thông tin. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói với các phóng viên rằng, đây là vấn đề Đức phải điều tra và London vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với Berlin để hỗ trợ Ukraine.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vụ việc lần này cho thấy giới chức Đức đánh giá quá thấp về các mối đe dọa an ninh.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho rằng, vụ việc chứng tỏ "Đức không an toàn cũng như không đáng tin cậy". Theo ông, việc London và các đồng minh ngày càng mất lòng tin vào Berlin, điều có thể gây hại cho nỗ lực viện trợ vũ khí tầm xa cho Kiev.

Đoạn ghi âm cũng nhấn mạnh mức độ cho thấy quyết định triển khai tên lửa Taurus là mang tính chính trị và Thủ tướng Scholz tỏ ra dè dặt về việc Đức can dự quá trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine, hoặc có nguy cơ khiến xung đột leo thang và lan rộng ra ngoài biên giới nước này.

Tên lửa Taurus có thể đạt tầm bắn xa gấp đôi so với tên lửa Storm Shadow và Scalp, và do đó sẽ cho phép Ukraine tấn công vươn xa tới tận thủ đô Moscow. Do đó, vụ việc lần này làm leo thang căng thẳng đáng lo ngại trong quan hệ Nga - Đức. Moscow cho biết đoạn ghi âm cho thấy lực lượng vũ trang Đức đang thảo luận về kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga và đặt câu hỏi liệu đây có phải là chính sách của chính phủ Đức hay Thủ tướng Scholz đã mất kiểm soát tình hình.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 4/3 cũng đã triệu tập đại sứ Đức Alexander Lambsdorff vì vấn đề này để "tìm hiểu xem liệu quân đội Đức tự ý hành động hay đây là một phần trong chính sách của chính phủ".

Bộ Ngoại giao Nga đánh giá cả hai kịch bản này đều rất tồi tệ, cho thấy "phương Tây tham gia trực tiếp vào xung đột Nga - Ukraine". Nhưng Đức gọi những cáo buộc về việc chuẩn bị cho chiến tranh là tuyên truyền "vô lý".

Theo Reuters