1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Syria đánh dấu một năm bạo loạn

(Dân trí) - Ngày 15/3 đánh dấu tròn một năm cuộc khủng hoảng chính trị và bạo loạn tại Syria, cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người và làm hàng trăm nghìn người khác phải lánh nạn. Rất nhiều nỗ lực đã được đưa ra, song đến nay cuộc khủng hoảng vẫn chưa có lối thoát.

 
Syria đánh dấu một năm bạo loạn
Các em nhỏ tham gia một cuộc biểu tình chống chính phủ ở phía bắc Syria.

Quan điểm của Syria

Phát biểu tại thủ đô Damascus nhân sự kiện này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi cho rằng cuộc khủng hoảng vẫn "rất phức tạp", nhưng Syria muốn tự mình tìm ra giải pháp chứ không cần tới sự can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt là can thiệp bằng quân sự.

"Giải pháp hòa bình không nằm trong tay họ. Những nỗ lực hướng tới hòa bình cần phải có sự tham gia của tất cả các bên vì rằng, chỉ một bàn tay sẽ không vỗ được lên tiếng", ông Makdissi khẳng định.

Ông Makdissi cũng cho biết chính phủ Syria đã có "phản hồi tích cực và rõ ràng" đối với đề xuất của Đặc phái viên Liên hợp quốc - Liên đoàn Ảrập (LHQ -AL) Kofi Annan, đặc biệt trong việc chấm dứt bạo lực và cứu trợ nhân đạo. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi Mỹ và phương Tây giảm nhẹ áp lực để tạo cơ hội cho một tiến trình hòa bình trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của Syria.
 
"Syria cam kết sẽ cho phép hàng viện trợ nhân đạo được tiếp cận đến tay người dân... với điều kiện chủ quyền của Syria phải được tôn trọng".
 
Góc nhìn của thế giới

Ông Makdissi đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh nhiều nước phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép chính trị lên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
 
Trong động thái mới nhất, Ảrập Xêút, Italia và Hà Lan cùng tuyên bố đóng cửa đại sứ quán tại Syria, đồng thời lên án các hành động "không thể chấp nhận được" của chính quyền Syria đối với người dân nước này.
 
"Vì những diễn biến hiện nay ở Syria, Ảrập Xêút đã đóng cửa Đại sứ quán ở thủ đô Damascus, đồng thời rút tất cả các nhà ngoại giao và nhân viên làm việc trong đại sứ quán về nước", thông cáo của Bộ Ngoại giao Ảrập Xêút nêu rõ.
 
"Việc đóng cửa đại sứ quán tại Damascus thể hiện sự quan ngại của chúng tôi trước hành động bạo lực kinh hoàng của chính phủ Syria và tình hình an ninh ngày càng xấu đi, đồng thời gửi một tín hiệu chính trị tới chính quyền Damascus", Ngoại trưởng Hà Lan Uri Rosenthal khẳng định.
 
Trước đó, Ảrập Xêút từng nhiều lần hối thúc cộng đồng quốc tế hành động chống chính quyền Damascus, vũ trang cho quân nổi dậy ở Syria và là một trong sáu nước vùng Vịnh trục xuất Đại sứ Syria hồi tháng tháng Hai vừa qua.
 
Cho đến nay đã có 7 nước đóng cửa đại sứ quan tại Syria, bao thêm cả Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ.
 
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Tunisia đang ở thăm Đức Hamadi Jebali kêu gọi LHQ, mà cụ thể là Hội đồng Bảo an (HĐBA), hành động nhiều hơn để giải quyết tình hình tại Syria, nhưng không phải là hành động can thiệp quân sự. Đây cũng là quan điểm của Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc hội đàm tại thủ đô Washington ngày 14/3.  
 
"Điều chúng tôi muốn thấy là cần phải nhanh chóng chấm dứt các hành động giết chóc tại Syria, thông qua tiến trình chuyển giao quyền lực chứ không phải cách mạng hay nội chiến", Thủ tướng Anh nói tại buổi họp báo sau hội đàm, nhưng ông cũng không quên cảnh báo rằng nội chiến hoặc cách mạng là "hậu quả khó tránh khỏi" nếu Tổng thống Assad không từ bỏ quyền lực.
 
Về phần mình, người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng vẫn còn quá sớm để nghĩ tới viễn cảnh can thiệp quân sự vào Syria vì điều này có thể dẫn tới một cuộc nội chiến.
 
Trung Quốc và Nga, hai nước từng nhiều lần phản đối can thiệp quân sự vào Syria, cũng đang nỗ lực thúc đẩy các giải pháp chính trị ngõ hầu có thể kéo Syria ra khỏi sức hút từ vòng xoáy nội chiến đang cận kề. Tuy nhiên, cả hai nước này dường như đang mất dần kiên nhẫn trước sự "cứng đầu" và "phản ứng ì ạch" của ông Assad.
 
"Thật đáng tiếc, lời khuyên của chúng ta không phải lúc nào cũng được ông Assad làm theo. Tổng thống Assad đã thông qua các đạo luật nhằm đổi mới hệ thống chính trị theo hướng đa đảng, nhưng hoạt động này diễn ra quá chậm chạp... Việc khởi động đối thoại cũng diễn ra như thế, trong khi phe vũ trang chống đối lại đang ngày càng có thêm động lực. Sự trì trệ này có thể sẽ nhấn chìm mọi nỗ lực".
 
Trên đây là lời bình luận hiếm hoi thể hiện sự thất vọng của Nga đối với nhà lãnh đạo Syria, đồng minh cuối cùng của Mátxcơva trong thế giới Ảrập.
 
Những động thái trên diễn ra hai ngày trước thời điểm ông Annan sẽ tiến hành báo cáo về kết quả chuyến thăm Syria trước HĐBA. Tại buổi báo cáo trực tuyến được tiến hành ngày 16/3 từ Geneva (Thụy Sĩ), ông Annan sẽ thông báo chi tiết về những đề xuất đã đưa ra cho chính phủ Syria cũng như về câu trả lời mà ông đã nhận được từ Tổng thống Assad.
 
Vũ Anh