1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

S-300, báu vật phòng không của Nga

(Dân trí) - Cái tên S-300 một lần nữa lại “dậy sóng” khi Nga mới đây tuyên bố đang triển khai báu vật tên lửa phòng không này ở Abkhazia, nước tự tuyên bố độc lập khỏi Gruzia vào năm 2008 và được Mátxcơva ủng hộ.

 

S-300, báu vật phòng không của Nga - 1
S-300 trong một cuộc tập trận chung giữa Nga và Belarus
 

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống thống tên lửa di động vô cùng tinh vi, có khả năng phá hủy tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của đối phương.

 

Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.

 

S-300 khởi thủy được thiết kế để đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận trước máy bay tấn công của kẻ thù.

 

Nhà phát triển quản lý dự án của S-300 là công ty Nga Almaz (thuộc sở hữu của chính phủ, viết tắt “KB-1”) mà hiện nay đang là một phần của Doanh nghiệp Phòng không “Almaz-Antei”.

 

Khi lần đầu tiên được Liên Xô (cũ) triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đối không mạnh nhất trên thị trường. Rất nhiều nước đã đặt mua hệ thống này cũng như phiên bản phát triển của nó S-400 để làm tấm lá chắn cho vùng trời của họ, trong đó phải kể đến Trung Quốc (với 15 tên lửa S-300 tiên tiến vừa được chuyển giao vào tháng 4), Iran, Slovenia, Síp...

 

Báu vật này có thể cùng lúc lần theo tới 100 mục tiêu, với thời gian triển khai là 5 phút. Ngoài ra, các tên lửa S-300 là các vòng kín và không cần bảo trì trong suốt thời gian sử dụng của chúng.

 

Tư lệnh lực lượng không quân Nga, tướng Alexander Zelin, hôm qua, 11/8, cho hay Mátxcơva đã triển khai tên lửa S-300 ở Abkhazia để bảo vệ cho Abkhazia và Nam Ossetia, hai nước tự tuyên bố độc lập khỏi Gruzia năm 2008 và được Nga ủng hộ.

 

Ngay lập tức Tbilisi đã cảnh báo việc triển khai tên lửa S-300 của Nga khiến không chỉ Gruzia mà NATO cũng hết sức quan ngại. “Rõ ràng rằng Nga đang dùng các lãnh thổ này (Abkhazia và Nam Ossetia) là căn cứ quân sự cho những kế hoạch lớn hơn, không chỉ bó hẹp trong Gruzia”, phó Thủ tướng Gruzia Temur Yakobashvili lo lắng.

 

Theo nguồn tin từ các quan chức Abkhazia hệ thống tên lửa này đã được đặt ở Abkhazia được khoảng một năm, trong khi Mỹ cho rằng chúng có thể đã được lắp đặt ở đó từ 2 năm qua.

 

Lễ kỷ niệm 2 năm kể từ khi xảy ra cuộc chiến ngắn giữa Gruzia và Nga đã được Nga dùng để khẳng định sự ủng hộ của họ đối với Abkhazia và Nam Ossetia. Trong chuyến thăm Abkhazia mới đây, Tổng thống Nga Medvedev đã tái cam kết ủng hộ cho sự độc lập của hai vùng này và hứa sẽ viện trợ tài chính thêm cho họ. Trong khi trước đó, vào năm ngoái, Thủ tướng Nga Putin đã tuyên bố Mátxcơva sẽ viện trợ một phần cho hạ tầng quốc phòng của Abkhazia.
 
Giới phân tích cho rằng bằng tuyên bố đặt tên lửa “báu vật” trên ở Abkhazia, ngoài thể hiện sự ủng hộ đối với Abkhazia và Nam Ossetia, Nga còn muốn cảnh báo NATO, Mỹ về việc giúp Gruzia tái thiết và củng cố lực lượng không quân, lực lượng hiện chỉ có khoảng 5 đến 6 chiếc máy bay cùng vài chiếc trực thăng.
 
Hơn nữa, Mátxcơva cũng muốn chứng tỏ rằng kho vũ khí tinh vi của họ có thể ngăn chặn bất kỳ sự bành trướng nào. Từ lâu vấn đề đề tên lửa phòng không được xem như “độc dược” đối với mối quan hệ giữa Washington và Mátxcơva. Tháng 9/2009, Tổng thống Mỹ Obama đã từ bỏ dự án lắp đặt một tấm lá chắn tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc. Và sau đó Washington đã ký một hiệp ước hạt nhân mới với Mátxcơva nhằm cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược nhưng hiệp ước này vẫn còn đang phải chờ quốc hội hai nước thông qua.

 

 

Phan Anh

Tổng hợp