1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Rò rỉ hình ảnh căn cứ nghi của Wagner ở Belarus sau vụ nổi loạn

Thành Đạt

(Dân trí) - Một số hình ảnh rò rỉ được cho là các trại đồn trú của lực lượng quân sự tư nhân Wagner tại Belarus sau vụ nổi loạn ở Nga vào cuối tháng 6.

Rò rỉ hình ảnh căn cứ nghi của Wagner ở Belarus sau vụ nổi loạn - 1

Hình ảnh được cho là căn cứ của lực lượng Wagner tại Belarus (Ảnh: Sirena).

Theo Sirena, một hãng tin độc lập của Nga chuyên đưa tin về cuộc xung đột ở Ukraine, những bức ảnh được cho là căn cứ của lực lượng Wagner gần thị trấn Asipovichy thuộc vùng Mogilev của Belarus. Hãng tin cho biết những bức ảnh do người dân địa phương chụp lại.

Những bức ảnh được công bố cho thấy những chiếc lều được dựng sát nhau, bên trong có giường và sàn gỗ. Mỗi lều được thiết kế để chứa tối đa 60 người và có thể được dựng trong chưa đầy 30 phút.

"Vài ngày trước, chúng tôi đã đếm được khoảng 298 lều dựa trên hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ ở làng Cel gần Asipovicy. Mỗi lều có thể chứa tối đa 30 người. Chúng tôi ước tính căn cứ có sức chứa khoảng 8.000 người", Belaruski Hajun, một nhóm giám sát quân sự Belarus, cho biết.

Rò rỉ hình ảnh căn cứ nghi của Wagner ở Belarus sau vụ nổi loạn - 2

Hoạt động xây dựng đang diễn ra tại căn cứ ở Belarus (Ảnh: Sirena).

Trước đó, New York Times cũng đăng tải các hình ảnh vệ tinh cho thấy quá trình xây dựng cấp tốc những công trình có vẻ là tạm thời tại một căn cứ quân sự bỏ hoang tại thị trấn Asipovichy.

Hoạt động xây dựng lần đầu tiên được nhìn thấy trong các hình ảnh vệ tinh được Planet Labs, một công ty tư nhân có mạng lưới vệ tinh dày đặc, chụp được vào hôm 26/6, chỉ 2 ngày sau khi lực lượng Wagner bất ngờ dừng cuộc hành quân tiến tới thủ đô Moscow trong vụ nổi loạn.

Đến ngày 27/6, các hình ảnh cho thấy một sân thể thao có diện tích khoảng 32.000m2 trong cơ sở quân sự có hàng rào đã được chuyển đổi. Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy công trình xây dựng tương tự tại các khu vực trống bên cạnh sân thể thao. Kích thước, màu sắc và cách bố trí của các cấu trúc trên tương tự các khu lều trại quân sự khác đã được xây dựng ở Nga và Belarus từ đầu năm 2022.

Rò rỉ hình ảnh căn cứ nghi của Wagner ở Belarus sau vụ nổi loạn - 3

Các lều trại được dựng lên tại căn cứ (Ảnh: Sirena).

Căn cứ này cách thủ đô Minsk của Belarus khoảng 130km và cách thị trấn Asipovichy khoảng 20km về phía tây bắc, nơi có nhiều cơ sở quân sự, bao gồm một khu huấn luyện và kho đạn dược.

Căn cứ này trước đây do Lữ đoàn tên lửa 465 của Belarus, được thành lập vào năm 1988, sử dụng và sau đó được chuyển đến gần Asipovichy vào năm 2018.

Đơn vị này là lữ đoàn duy nhất của Belarus có tên lửa Iskander có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân và thông thường của Nga, theo ông William Alberque, một chuyên gia vũ khí hạt nhân cho quốc phòng và cố vấn an ninh Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS).

Rò rỉ hình ảnh căn cứ nghi của Wagner ở Belarus sau vụ nổi loạn - 4

Bên trong các lều trại được dựng ở căn cứ (Ảnh: Sirena).

Hãng tin độc lập Verstka của Nga hôm 26/6 cũng đưa tin, thị trấn Asipovichy ở Belarus là nơi đồn trú của các chiến binh Wagner. Theo nguồn tin của Verstka, một doanh trại cho 8.000 lính đang được xây dựng cấp tốc gần Asipovichy của Belarus (cách biên giới Ukraine khoảng 200km).

Căn cứ này cũng khớp với các chi tiết do Tổng thống Aleksandr Lukashenko của Belarus đưa ra trong một tuyên bố hôm 27/6, trong đó ông mô tả nơi có thể đóng quân của nhóm Wagner.

"Chúng tôi đã cung cấp cho họ một trong những căn cứ cũ không dùng đến. Có một hàng rào, mọi thứ ở đó, hãy tiếp tục đến đó và dựng lều", Tổng thống Lukashenko nói. Ông nhấn mạnh thêm: "Chúng tôi sẽ giúp họ bằng tất cả những gì có thể".

Rò rỉ hình ảnh căn cứ nghi của Wagner ở Belarus sau vụ nổi loạn - 5

Giường gỗ trong các lều trại (Ảnh: Sirena).

Lãnh đạo nhóm Wagner Yevgeny Prigozhin hôm 24/6 đã đồng ý tới Belarus sau khi dẫn đầu cuộc nổi loạn tại miền Nam nước Nga. Tổng thống Belarus đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải nhằm chấm dứt cuộc nổi loạn của Wagner.

Theo Pravda