1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Rộ manh mối Ukraine lần đầu nã siêu bom thông minh tấn công Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hình ảnh xuất hiện trên mạng internet cho thấy Ukraine có thể đã sử dụng bom thông minh GLSDB tầm tấn công 160km do Mỹ viện trợ.

Rộ manh mối Ukraine lần đầu nã siêu bom thông minh tấn công Nga - 1

Hình ảnh mảnh vỡ được cho là thuộc về siêu bom GLSDB Mỹ viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Defense Express).

Defense Express đưa tin, đoạn video do binh sĩ Nga đăng tải trên mạng dường như cho thấy Ukraine đã bắt đầu đưa bom GLSDB vào thực chiến.

Cụ thể đoạn video quay lại các mảnh vỡ của một loại vũ khí đặc trong thùng các-tông, trong đó có một bộ phận hình vuông đặc biệt với các mã vạch được in phía trên.

Theo Defense Express, trong thùng còn có một bộ phận được cho là phần đuôi của quả bom dẫn đường chính xác GBU-39/B. Đây có thể là một phần của bom dẫn đường GLSDB, giới quan sát nhận định.

Nếu đây là sự thật thì mảnh vỡ này là bằng chứng đầu tiên cho thấy Ukraine đã sử dụng GLSDB trong thực chiến ở Ukraine. 

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cuối tháng trước tuyên bố đạn GLSDB (Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất) do Mỹ sản xuất đang trên đường tới chiến trường Ukraine.

Vào mùa thu năm 2022, Mỹ đã quyết định mua bom GLSDB của Boeing và cung cấp cho Ukraine. Boeing sản xuất loại bom cùng với công ty quốc phòng Thụy Điển SAAB.

Hợp đồng GLSDB mà Mỹ ký với Boeing trị giá 33 triệu USD. Một quả GLSDB có giá vào khoảng 40.000 USD. Ukraine có thể đã được chuyển cho hàng trăm vũ khí này nhằm giúp Kiev xoay xở vì hết đạn pháo giữa lúc viện trợ phương Tây ngày càng nhỏ giọt. 

Được mệnh danh là một vũ khí "lai", bom GLSDB được tạo nên từ một sự kết hợp độc đáo giữa bom truyền thống và pháo phản lực phóng loạt.

Dù là bom nhưng GLDRS được phóng đi từ mặt đất, cụ thể là từ hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS hoặc pháo tự hành M270 và các biến thể.

Ukraine rất cần GLDRS để tăng cường số lượng tên lửa tầm xa bắn bằng HIMARS. Trước đó, Mỹ mới chỉ gửi cho Ukraine tương đối ít tên lửa ATACMS có tầm bắn 160km. GLDRS có tầm bắn gấp đôi rocket thông thường mà Ukraine đang triển khai từ HIMARS, trừ ATACMS.

GLSDB kết hợp động cơ tên lửa M26 với bom GBU-38, biến nó thành pháo phản lực chiến thuật phóng từ mặt đất dẫn đường chính xác.

GLSDB gồm 2 thành phần chính, trong đó, đóng vai trò đầu đạn là loại bom đường kính nhỏ GBU-39 được lắp một quả rocket M26 để phóng từ trên bộ. Nó có chiều dài 3,9m, đường kính 0,24m và nặng khoảng 272 kg.

Ngoài ra, được trang bị hệ thống định vị toàn cầu GPS, bom GLSDB có thể vượt qua các hệ thống gây nhiễu và chế áp điện tử của đối phương. Loại vũ khí này cũng có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện địa hình và thời tiết.

Tuy nhiên, Konstantin Gavrilov, trưởng phái đoàn ngoại giao Nga về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí tại Áo, cho biết Moscow có công cụ để chống lại bom thông minh GLSDB. Ông Gavrilov không nói chi tiết về vũ khí cũng như cách Nga có thể đánh chặn GLSDB của Mỹ.

Liên quan tới các mảnh vỡ, phía Nga nói rằng họ thu được sau cuộc tấn công của Ukraine hồi đầu tuần gần Kreminna ở mặt trận miền Đông.

Nếu cuộc tấn công ở Zhytlivka thực sự có liên quan đến GLSDB thì đó có thể là phương án khó hiểu. Zhytlivka chỉ cách tiền tuyến gần Kreminna vài km, nên câu hỏi được đặt ra là tại sao Ukraine lại lãng phí đạn dược tầm bắn 160km cho một cuộc đột kích không cần vũ khí tầm xa như vậy?

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine