1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quan chức Nga nói vẫn kiểm soát đảo Rắn

Minh Phương

(Dân trí) - Một quan chức Nga cho biết, quân đội nước này vẫn kiểm soát đảo Rắn của Ukraine trên Biển Đen, và tiết lộ lý lo rút binh sĩ khỏi hòn đảo.

Quan chức Nga nói vẫn kiểm soát đảo Rắn - 1

Đảo Rắn có ý nghĩa chiến lược với Nga và Ukraine (Ảnh: Reuters).

"Lực lượng vũ trang Nga đã giải phóng đảo Rắn khỏi tay những thành phần chủ nghĩa dân tộc tại Ukraine, đẩy lùi các đợt tấn công và bắn hạ nhiều máy bay của đối phương. Hòn đảo vẫn nằm trong tầm kiểm soát của tên lửa cũng như các lực lượng hải quân, không quân Nga", hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Alexey Chernyak, Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện), ngày 1/7 cho biết.

Ông Chernyak nói thêm, việc Nga rút quân khỏi hòn đảo tiền tiêu trên Biển Đen này nhằm bảo vệ tính mạng cho các binh sĩ sau khi phương Tây chuyển cho Ukraine hàng loạt pháo phản lực.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/6 tuyên bố: "Để thể hiện cử chỉ thiện chí, lực lượng vũ trang Nga đã hoàn thành nhiệm vụ trên đảo Rắn và rút đơn vị đồn trú tại đây". Moscow nói rằng, quyết định này nhằm tạo điều kiện cho Ukraine xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, "chứng minh cho cộng đồng thế giới thấy rằng Liên bang Nga không can thiệp vào nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong quá trình tổ chức hành lang nhân đạo, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nông sản từ lãnh thổ Ukraine".

Quân đội Ukraine cùng ngày cũng xác nhận lực lượng Nga đã rút khỏi đảo Rắn sau các đợt phản công dồn dập của Kiev gần đây. Ukraine cho biết, mặc dù đã rút quân, nhưng Nga tiếp tục tấn công vào hòn đảo. Theo thông cáo ngày 1/7 của quân đội Ukraine, các máy bay Su-30 của Nga đã 2 lần tấn công bằng bom phốt pho trắng vào hòn đảo.

Đảo Rắn cách mũi cực Nam của Ukraine khoảng 48 km và cách bán đảo Crimea khoảng 300 km. Đảo rộng khoảng 18ha, được mô tả là có vị trí chiến lược trên Biển Đen. Nga đã kiểm soát đảo này ngay những ngày đầu mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Kể từ đó, Kiev đã thực hiện nhiều đợt phản công khác nhau, nhưng chỉ dồn dập trong hai tuần trở lại đây khi nhận thêm nhiều vũ khí hạng nặng từ phương Tây. Ukraine tuyên bố đã thực hiện một số cuộc không kích thành công nhắm vào trực thăng, hệ thống phòng không và vũ khí hạng nặng khác của Nga trên đảo.

Trong khi có những ý kiến khác nhau về việc Nga rút quân khỏi đảo Rắn, một quan chức quốc phòng Mỹ hôm qua cho rằng động thái này là do Ukraine đã gây sức ép tập kích lớn lên hệ thống phòng thủ của Nga bằng các tên lửa Harpoon được Mỹ cung cấp.

Mỹ là quốc gia viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine kể từ khi Nga mở "chiến dịch đặc biệt" ở quốc gia láng giềng. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua tuyên bố, Washington sẽ viện trợ thêm 820 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng viện trợ lên khoảng 7 tỷ USD kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Trong gói viện trợ này có các hệ thống tên lửa đất đối không, 150.000 quả đạn pháo 155m.

Theo CNTV, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine