1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phát hiện một kiểu hành tinh mới

(Dân trí) - Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một kiểu hành tinh mới. Những hành tinh này ở gần sao mẹ của chúng đến mức chỉ mất 1 ngày để bay trọn một vòng quỹ đạo.

Kính thiên văn Hubble đã tìm ra 16 hành tinh kiểu này, trong đó có những hành tinh lớn gấp 8 lần Sao Mộc nhưng ở gần Mặt trời của chúng hơn 8 lần so với khoảng cách từ Sao Thủy đến Mặt trời. Chúng chỉ mất 0,4 đến 3,2 ngày để bay hết một vòng quỹ đạo, trong đó cá biệt có 2 hành tinh chỉ mất vỏn vẹn 10 tiếng.

 

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Kailash Sahu tại tổ chức Khoa học quan trắc không gian, Baltimore, công bố những kết quả này trên tạp chí Tự nhiên thứ năm tuần trước, đồng thời nhận định đây là loại hành tinh chưa từng được biết đến và đặt tên tạm thời là “những hành tinh có quỹ đạo siêu ngắn”. Khám phá này chứng tỏ rằng những ngôi sao nhỏ hơn Mặt trời cho phép hành tinh của chúng bay rất gần mà không bị đốt cháy. Đối với những ngôi sao lớn hơn Mặt trời, giới khoa học đã kiểm nghiệm rằng bất cứ hành tinh nào bay quanh sao mẹ ở cự ly gần như vậy đều bị phóng xạ của ngôi sao mẹ phá huỷ.

 

Từ 10/1995 tới nay, giới thiên văn đã phát hiện ra tổng cộng 202 hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời, trong đó bao gồm nhiều kiểu hành tinh lạ chưa được biết đến, gần đây nhất là Sao phồng - loại hành tinh siêu nhẹ, có thể nổi trên mặt nước, và bây giờ là những hành tinh có quỹ đạo siêu ngắn. Điều thú vị là những hành tinh lạ lùng này đều có kích thước khổng lồ, lớn bằng hoặc hơn Sao Mộc nhiều lần.

 

Ngọc Nga

Theo BBC, CNN