1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Pháp đặt khu vực Tây Nam ở mức báo động cao nhất

(Dân trí) - Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã quyết định đặt vùng Midi-Pyrenees ở Tây Nam nước này ở mức báo động cao nhất về nguy cơ khủng bố, sau khi xảy ra 3 vụ xả súng liên tiếp trong 8 ngày qua làm 7 người thiệt mạng và 5 người bị thương.

Pháp đặt khu vực Tây Nam ở mức báo động cao nhất
Vụ nổ súng xảy ra trước cổng trường học của người Do Thái ở thành phố Toulouse, Tây Nam nước Pháp.

Theo đó, vùng Midi-Pyrenees được đặt trong tình trạng báo động "màu hồng điều", mức báo động cao nhất ở Pháp trong thang bậc đối mặt với nguy cơ khủng bố.

Quyết định trên được đưa ra ngay sau khi tại thành phố Toulouse xảy ra một vụ xả súng ở bên ngoài trường học Ozar Hatorah dành cho người Do Thái, làm 3 trẻ em và 1 người lớn thiệt mạng, 5 người khác bị thương.

Theo các nhân chứng tại chỗ, một người đàn ông đi xe gắn máy đã xả súng ở cự ly gần vào đám đông đứng bên ngoài cổng trường, trong đó có cả giáo viên và học sinh, trong lúc đang chờ nhà trường mở cửa vào buổi sáng. Thủ phạm sau đó đã tẩu thoát.

Trước đó, ngày 15/3, tại thành phố Montauban cũng xảy ra một vụ nổ súng nhằm vào binh lính Lực lượng vũ trang Pháp (RGP) làm 2 binh sĩ bị thiệt mạng.

Ngày 11/3, một hạ sĩ quan vừa giải ngũ thuộc lực lượng RGP cũng bị một tay súng  bắn chết ngay trên một đường phố đông đúc ở ngoại ô thành phố Toulouse.

Dư luận bày tỏ phẫn nộ

Các vụ xả súng, với danh tính thủ phạm chưa được xác định, đã gây rúng động toàn nước Pháp, khiến các ứng cử viên tranh cử tổng thống phải lên tiếng xem đây là thảm kịch quốc gia.

Ngày 19/3, Tổng thống Pháp Sarkozy và ứng cử viên tổng thống Đảng Xã hội (PS) Francois Hollande đều đã đến hiện trường xảy ra vụ xả súng ở Toulouse nhằm bày tỏ chia sẻ với gia đình các nạn nhân và lên án vụ tấn công.

Tối cùng ngày, hai ông cùng nhiều quan chức, chính khách Pháp cũng đã có mặt tại nhà thờ Nazareth dành cho người Do Thái ở quận 3, thủ đô Paris, để tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân. Tại đây, Tổng thống Sarkozy cho rằng thủ phạm gây ra ba vụ tấn công là cùng một người.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Claude Guéant cũng phải cắt ngắn chuyến thăm khu vực Đông Bắc nước Pháp để tới Toulouse chỉ đạo công tácđiều tra.

An ninh cũng được tăng cường tại tất cả các trường học và cơ sở tôn giáo dành cho người Do Thái trên toàn nước Pháp. 

Trong khi đó, Tổng thống Israel Shimon Peres, Thủ tướng Italia Mario Monti, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Tommy Vietor, cũng đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân, đồng thời lên án tình trạng kỳ thị, bài người Do Thái.

Bộ trưởng Nội vụ Bỉ, bà Joelle Milquet, yêu cầu các cơ quan cảnh sát nước này đặc biệt cảnh giác và chú ý tới quyền lợi của người Do Thái, nhất là tại các địa điểm giáo dục.

Trong khi dó, cảnh sát thành phố New York đã thắt chặt an ninh tại các thánh đường và trụ sở Do Thái trên toàn thành phố này.

Pháp đẩy mạnh công tác điều tra

Một điều trùng hợp trong cả ba vụ xả súng nói trên là kẻ thủ ác đều đi xe gắn máy và sử dụng cùng một loại vũ khí khi gây án. Vì vậy, các nhà điều tra Pháp đang tập trung tìm kiếm mối liên hệ giữa các vụ bắn giết này.

Trước mắt, công tác điều tra được chia theo hai hướng: có thể do một phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện hoặc do một nhân vật cực hữu.Tuy nhiên, các giả thuyết khác cũng không bị loại trừ.

Hiện 130 sĩ quan cảnh sát tư pháp của Pháp đã được lệnh truy tìm dấu vết của kẻ sát nhân với sự hỗ trợ của các nhân viên thuộc Tổng cục Tình báo Nội địa Pháp (DCRI).

Tại Pháp hiện đang có khoảng 700.000 người Do Thái. Chính phủ Pháp đã nhiều lần kêu gọi người dân thực hiện tinh thần đoàn kết, không phân biệt tôn giáo, quốc tịch, song đôi khi tại nước này vẫn xảy ra các vụ tấn công nhằm vào người Do Thái.

Vũ Anh
Theo AFP