1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Pháo hoa" tên lửa trong ngày quốc khánh Mỹ

Ngày 4/7, khi cả nước Mỹ tưng bừng kỷ niệm lễ quốc khánh lần thứ 230 với pháo hoa rực rỡ, CHDCND Triều Tiên khiến cả thế giới rúng động bằng một màn “pháo hoa” khác: 7 tên lửa có sức công phá lớn, kể cả tên lửa đạn đạo Taepodong-2, có tầm đủ sức vươn tới tận bang Alaska.

Loạt tên lửa được phóng đi từ các căn cứ quân sự trên đất CHDCND Triều Tiên, chỉ cách vài phút so với thời điểm Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phóng tàu con thoi Discovery lên quĩ đạo.

Tuy nhiên, Taepodong-2 đã nổ tung chỉ 40 giây sau khi rời mặt đất. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, toàn bộ sáu tên lửa, trong đó có tên lửa Scud (tầm bắn tới Hàn Quốc) và Nodong (đủ khả năng tấn công Nhật) đã rơi xuống khu vực biển Nhật Bản. Hai trong số đó rơi khá gần biên giới nước Nga.

Theo Hãng tin Nhật Kyodo, trong ngày 5-7, Bình Nhưỡng tiếp tục phóng thử thêm quả tên lửa thứ bảy. Quả tên lửa này rơi xuống vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên sau 6 phút rời bệ phóng. Trong khi đó, các hãng tin dẫn lời tướng Yuri Baluevsky - tổng tham mưu trưởng quân đội Nga - cho biết Bình Nhưỡng phóng tới 10 quả tên lửa!

Vụ phóng tên lửa lập tức gặp phản ứng dữ dội. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Stephen Hadley và Thủ tướng Úc John Howard tuyên bố động thái của Bình Nhưỡng là “hành vi khiêu khích tột độ” và “vi phạm các qui định quốc tế”. Nhật yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn để thông qua một nghị quyết lên án.

Chính quyền Hàn Quốc cũng họp khẩn cấp và khẳng định hành động của Bình Nhưỡng chỉ khiến CHDCND Triều Tiên bị cô lập nhiều hơn với cộng đồng quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Kamynin cũng lên tiếng phản đối, cho rằng vụ thử tên lửa làm căng thẳng thêm tình hình xung quanh chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Còn Trung Quốc hối thúc các bên “giữ bình tĩnh và kiềm chế”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên Nhật tại Bình Nhưỡng, ông Ri Pyong Dok - quan chức Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên - tuyên bố Bình Nhưỡng có quyền thử tên lửa trên lãnh thổ quốc gia mình. Ngoại trưởng Úc Alexander Downer dự báo rất có thể Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phóng thêm tên lửa trong vòng vài ngày tới.

Vì sao vào ngày 4/7?

Dù mối quan ngại về khả năng CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa đã dấy lên từ đầu tháng sáu, nhưng diễn biến ngày 4/7 vẫn gây không ít ngạc nhiên bởi nó diễn ra bất chấp sức ép của cộng đồng quốc tế. Theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Stephen Hadley, mục đích của Bình Nhưỡng là thu hút trở lại sự chú ý của cộng đồng quốc tế, vốn trong thời gian qua hầu như chỉ tập trung vào cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.

Chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên Paik Hak Soon, thuộc Học viện Sejong tại Seoul, khẳng định đây có thể là lá bài chủ chốt Bình Nhưỡng sử dụng để buộc Washington trực tiếp đàm phán song phương về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, sau khi cuộc đàm phán sáu bên giữa Bình Nhưỡng với Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật đã thất bại. “Việc CHDCND Triều Tiên chọn ngày 4/7 là nhằm gây sức ép tối đa lên chính quyền Mỹ” - ông Paik phân tích.

Ngoài ra sắp vào mùa thu, Mỹ chuẩn bị bước vào mùa bầu cử quốc hội, thời điểm chính giới Mỹ “bế quan tỏa cảng” với bên ngoài. Hơn nữa, bản thân Nhà Trắng cũng còn đang đau đầu vì cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran vẫn chưa có lối ra. Do đó, theo các nhà quan sát, đây là thời điểm mà Mỹ sẽ chưa thể có những phản ứng quá quyết liệt đối với CHDCND Triều Tiên. Bằng chứng là việc quân đội Mỹ khẳng định vụ thử tên lửa “chưa phải là mối đe dọa đối với nước Mỹ”.

Nguy cơ chạy đua vũ trang

Dù với mục tiêu nào, vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ để lại nhiều hậu quả đối với khu vực cũng như lợi ích của chính CHDCND Triều Tiên. Bằng chứng là Ngoại trưởng Nhật Taro Aso cho biết Tokyo có thể sẽ áp đặt cấm vận kinh tế đối với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, trước khi vụ thử tên lửa diễn ra, Seoul cũng đã đe dọa sẽ cắt viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên. Năm nay, Bình Nhưỡng đề nghị Seoul viện trợ 500.000 tấn gạo, nhưng Seoul vẫn chưa trả lời.

Thứ hai, theo các quan chức Seoul, vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng có thể khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang khu vực đông bắc Á. Tháng sáu vừa qua, nội các Nhật đã thông qua dự luật nhằm nâng cấp Cục Phòng vệ lên thành Bộ Quốc phòng và đệ trình lên quốc hội.

Tokyo đang rất muốn hủy bỏ điều 9 trong hiến pháp - buộc Nhật giải thể lực lượng vũ trang và giải tán quân đội, từ bỏ quyền tham gia chiến tranh để giải quyết tranh chấp quốc tế - nhằm tăng cường khả năng quốc phòng để xứng với vị thế siêu cường.

Mới đây, Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi thẳng thừng tuyên bố điều 9 đã lỗi thời. Việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa có khả năng tấn công lãnh thổ Nhật chính là cái cớ xác đáng để Tokyo sửa đổi hiến pháp. Nếu kịch bản này xảy ra, rất có thể một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai người láng giềng khổng lồ là Nhật và Trung Quốc sẽ diễn ra, dẫn đến bất ổn trong khu vực.

Cuối cùng, hành động này sẽ là cú đòn nặng nề giáng vào tiến trình hòa giải dân tộc giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, khiến cho triển vọng thống nhất bán đảo Triều Tiên càng mờ mịt hơn.

Theo Hiếu Trung

Tuổi trẻ/ Reuters, AP, BBC, Kyodo