1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những diễn biến leo thang bất ngờ trong cuộc xung đột Nga - Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Trong vòng chưa đầy một tháng, chiến sự Ukraine đột ngột chuyển từ trận chiến pháo binh ác liệt sang xung đột nhiều cấp độ và leo thang nhanh chóng, thách thức các chiến lược của Mỹ, Nga và Ukraine.

Những diễn biến leo thang bất ngờ trong cuộc xung đột Nga - Ukraine - 1

Một khu vực tại thủ đô Kiev, Ukraine bị thiệt hại nặng nề do cuộc không kích của Nga hôm 10/10 (Ảnh: Reuters).

Việc Nga mở cuộc tấn công tên lửa nhằm vào hàng loạt mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine ở xa tiền tuyến để trả đũa vụ nổ trên cầu Crimea đã khiến nhiều người bất ngờ.

Các cuộc tấn công là sự kiện mới nhất trong loạt diễn biến quay cuồng trong thời gian gần đây, từ cuộc phản công của Ukraine trên thực địa đến cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chính nó đã làm thay đổi bản chất và nhịp độ của cuộc xung đột trong những tuần gần đây và đặt ra câu hỏi về việc liệu Mỹ và phương Tây có vượt ra ngoài khái niệm hỗ trợ Ukraine để tham chiến trong thời gian tới.

Cho đến nay, nỗ lực hỗ trợ vũ khí của Mỹ cho Ukraine được cân nhắc và định hướng theo quy trình và tốc độ cung cấp được tính toán kỹ lưỡng nhằm không ảnh hưởng đến ưu tiên cao nhất của Washington đó là tránh để xảy ra xung đột trực tiếp giữa Nga và phương Tây.

Chiến lược đó là một phần trong chương trình nghị sự tại cuộc họp khẩn ngày 11/10 của các nhà lãnh đạo G7 và cuộc họp các Bộ trưởng quốc phòng NATO hôm 13/10.

Các diễn biến nhanh chóng

Các quan chức Mỹ tiếp tục bày tỏ sự thận trọng về các diễn biến nhanh chóng trên thực địa của cuộc xung đột hiện nay.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói: "Những bước ngoặt trong xung đột thường là những điểm nguy hiểm. Bạn không thể dự đoán những gì có thể xung quanh bước ngoặt đó".

Các nhà lãnh đạo Nga cũng đã đánh dấu bước ngoặt của chính họ. 

Ông Viktor Bondarev, người đứng đầu ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, đã viết trong một bài đăng trên Telegram hôm 10/10 rằng, các vụ tấn công tên lửa nhằm vào Kiev là sự khởi đầu "một giai đoạn mới" của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, và rằng Nga sẽ hành động kiên quyết hơn trong thời gian đến.

Tổng thống Putin cũng có bài phát biểu trước Hội đồng An ninh cho biết, các cuộc tấn công là nhằm đáp trả đũa hành động mà ông gọi là "chủ nghĩa khủng bố" của Ukraine, bao gồm cả việc đánh bom cây cầu chiến lược Crimea, vốn một tuyến đường hậu cần quan trọng cho các lực lượng Nga ở miền nam Ukraine.

Vụ tấn công nhằm vào cây cầu này xảy ra sau khi Tổng thống Putin ký ban hành luật, hoàn tất quá trình chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Nga 4 vùng ở Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson.

Tổng thống Putin và các quan chức Nga khẳng định sẽ bảo vệ lãnh thổ mới sáp nhập, trong đó để ngỏ cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. "Khi sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả loại vũ khí để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng tôi. Đây không phải một trò lừa bịp", ông Putin nói.

Đánh giá về tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Nga, một quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng, có thể đây là dấu hiệu hai điều. Thứ nhất, ông Putin hiểu là Nga đang ở tình huống nào. Thứ hai, cuộc chiến vẫn chưa đi đến hồi kết và vẫn chưa đến lúc hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Rose Gottemoeller, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân đồng thời cũng là cựu Phó Tổng thư ký NATO, cho biết: "Tôi nghĩ rằng chúng ta phải xem xét những mối đe dọa này một cách rất, rất nghiêm túc".

Với vụ tấn công tên lửa nhằm vào Kiev, Tổng thống Putin rõ ràng đang muốn khẳng định thế chủ động, củng cố hình ảnh của chiến lược Nga đang theo đuổi và sự lãnh đạo thống nhất.

Trong bài phát biểu trước Hội đồng An ninh, ông Putin cho biết cuộc tấn công tên lửa đã được đưa ra và do Bộ Quốc phòng đề xuất, phù hợp với kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu Nga.

Bài toán viện trợ vũ khí cho Ukraine

Về phần mình, Ukraine từ lâu đã kết hợp các cuộc phản công để đưa ra lời kêu gọi Mỹ và đồng minh viện trợ thêm vũ khí quân sự tối tân hơn. 

Kiev kêu gọi phương Tây gửi thêm các xe tăng chiến đấu để hỗ trợ các cuộc phản công trên bộ. Mỹ và các đồng minh đã miễn cưỡng đồng ý. Tuần này, Kiev lại nêu bật hậu quả của các diễn biến mới để gắn với sự cấp thiết phải có các hệ thống phòng không tinh vi.

Một quan chức Ukraine, tham khảo danh sách do Bộ chỉ huy quân sự cấp cao  nước cung cấp, cho biết các hạng mục ưu tiên của Ukraine bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không Patriot, tên lửa MIM-23 Hawk, hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) cũng như các hệ thống phòng không của Israel.

Sau cuộc không kích của Nga, ông Zelensky đã có nhiều cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo phương Tây và thúc giục họ gửi vũ khí hạng nặng hơn cho quân đội Ukraine, bao gồm cả tên lửa đất đối không.

Và những lời kêu gọi của Ukraine tạo ra hiệu ứng mới ở một số khu vực ở Washington. Các đảng viên cấp cao của đảng Dân chủ đã yêu cầu Mỹ Tổng thống Joe Biden nhanh chóng cung cấp thêm cho Ukraine.

"Tôi cam kết sẽ sử dụng mọi phương tiện theo ý mình để tăng tốc hỗ trợ  Ukraine", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez cho biết. Nghị sĩ Elissa Slotkin, một cựu quan chức cấp cao tại CIA và Lầu Năm Góc, nói rằng, nhu cầu phòng không "là cấp bách với quy mô của các cuộc tấn công tên lửa lần này".

Nhưng thực tế thì có rất ít dấu hiệu cho thấy, Mỹ sẽ thay đổi quy trình phê duyệt tương đối kéo dài như hiện nay, trong đó, họ sẽ quyết định loại vũ khí nào và khi nào sẽ chuyển cho phía Ukraine.

Quy trình này rất phức tạp và kéo dài, bao gồm một phân tích của Mỹ dựa trên nhiều yếu tố.

Thứ nhất là dựa vào báo cáo của Mỹ về các điều kiện trên chiến trường, về những gì Ukraine cần. Thứ hai, Mỹ có sẵn có những vũ khí đó hay không. Thứ ba, quân đội Ukraine đã biết cách sử dụng hay chưa? Nếu chưa, kế hoạch của Mỹ đào tạo sẽ như thế nào? Thứ tư, quân đội Ukraine sẽ duy trì sử dụng vũ khí đó ra sao? Bảo quản và sửa chữa thế nào? Phụ tùng thay thế ra sao?

"Nếu chúng ta không thể làm được những điều đó, thì ai trong số các đồng minh, đối tác của chúng ta có thể làm được?", một quan chức quốc phòng Mỹ nói với Washington Post.

Sau khi những vấn đề đó được giải quyết, sẽ còn quy trình xem xét để lấy ý kiến từ các cơ quan chính phủ khác trước khi đến Nhà Trắng, nơi Tổng thống Biden sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Khi có quyết định, việc giao vũ khí có thể được thực hiện trong vòng vài ngày đối với thiết bị lấy từ kho dự trữ quốc phòng của Mỹ, vài tháng nếu cần phải đào tạo rộng rãi để sử dụng và bảo trì, hoặc vài năm nếu các mặt hàng cụ thể cần được sản xuất.

Ví dụ, Tổng thống Biden đã chấp thuận gửi hệ thống phòng không NASAMS cho Ukraine vào đầu mùa hè và các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, 2 hệ thống sẽ được vận chuyển vào mùa thu này, sau khi đã sẵn sàng và quá trình huấn luyện hoàn tất. Nhưng đối với 6 NASAMS mà Lầu Năm Góc công bố viện trợ hồi cuối tháng 8, Mỹ sẽ mất nhiều năm để sản xuất trước khi gửi cho Ukraine.

"Chúng tôi chắc chắn hiểu rằng xung đột Nga - Ukraine đang đứng trước bước ngoặt ở nhiều cấp độ, nhưng cũng chính vì thế mà Washington sẽ không vội vàng đưa ra các hỗ trợ theo yêu cầu của Ukraine", một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Biden cho biết.

Theo Washington Post