1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những câu hỏi lớn sau vụ thảm sát đẫm máu ở Paris

(Dân trí) - Các cơ quan tình báo Pháp đang hứng chịu búa rìu dư luận, khi không thể phát giác kế hoạch tấn công khủng bố kinh hoàng đêm 13/11, dù đã nhận được cảnh báo từ Iraq về những vụ tấn công “cận kề” ngay ngày hôm trước.

Cảnh báo từ Iraq

Phát biểu tại Vienna, Áo hôm 15/11, ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari khẳng định tình báo nước này đã có thông tin về việc một số quốc gia, bao gồm Pháp, Mỹ và Iran là mục tiêu tấn công của IS.  Sau đó, thông tin được chuyển tới cơ quan tình báo các nước này.

Vụ tấn công khủng bố tại Paris đã được cảnh báo trước đó (Ảnh: AFP)
Vụ tấn công khủng bố tại Paris đã được cảnh báo trước đó (Ảnh: AFP)

Theo hãng thông tấn AP, cơ quan tình báo Iraq đã gửi một văn bản chính thức tới các quốc gia đồng minh, cảnh báo về những vụ tấn công “cận kề” do nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện. Văn bản được gửi đi ngày 12/11, tức ngay trước ngày diễn ra loạt 6 vụ tấn công đẫm máu  tại Paris, làm 129 người thiệt mạng.

Cơ quan tình báo Iraq khẳng định, kẻ cầm đầu IS Abu Bakr al-Baghdadi đã ra lệnh thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các quốc gia đồng minh cùng Nga và Iran, những nước đang tấn công nhóm này tại Iraq và Syria. Cụ thể, các vụ tấn công “thông qua đánh bom, hoặc ám sát hoặc bắt cóc con tin trong những ngày sắp tới”.

6 quan chức tình báo cấp cao của Iraq đã tổng hợp các thông tin tình báo này, và có 4 người khẳng định họ cảnh báo đích danh nước Pháp về một vụ tấn công tiềm tàng. Dù vậy thông báo cho biết phía Iraq không có thông tin chi tiết về việc các vụ tấn công sẽ diễn ra ở đâu và khi nào.

IS lập kế hoạch tấn công Paris tại Syria

Theo AP, một quan chức an ninh cấp cao của Pháp khẳng định họ nhận được những thông tin dạng này rất “thường xuyên” và hầu như “hàng ngày”.

Một trong những nghi phạm đánh bom liều chết đến từ Syria (Ảnh: Blic)
Một trong những nghi phạm đánh bom liều chết đến từ Syria (Ảnh: Blic)

Tuy vậy, hai quan chức Iraq cho biết, Pháp còn được cảnh báo trước về những chi tiết mà đến nay giới chức Paris vẫn chưa hé lộ cho công chúng.

Trong số này có việc các vụ tấn công tại Paris có vẻ được lên kế hoạch ngay tại Raqqa, Syria, nơi được xem như “thủ phủ” của IS. Các phần tử khủng bố đã được huấn luyện bài bản cho riêng chiến dịch này, trước khi điều sang Pháp.

Một cơ sở bí mật của những kẻ khủng bố tại Pháp đã bắt liên lạc với những kẻ tấn công khi chúng đã lập xong kế hoạch, và giúp triển khai các vụ khủng bố. Có tới 24 nghi phạm được khẳng định tham gia chiến dịch, trong đó có 19 kẻ tấn công, 5 tên phụ trách hậu cần và hoạch định kế hoạch, tình báo Iraq cho biết.

Lỗ hổng

Các nhà phân tích tin rằng, đã có những lỗ hổng chết người trong hệ thống tình báo Pháp, khi không thể nắm bắt và phản ứng, dù kế hoạch tấn công được các nghi phạm lập kế hoạch trong thời gian dài, trên quy mô lớn. Trong bối cảnh các vụ khủng bố diễn ra chỉ 10 tháng sau cuộc thảm sát tại tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, ngay gần rạp hát Bataclan, sự chỉ trích càng mạnh mẽ.

Tình báo Pháp đang chịu áp lực lớn sau loạt vụ khủng bố ngày 13/11 (Ảnh: Getty)
Tình báo Pháp đang chịu áp lực lớn sau loạt vụ khủng bố ngày 13/11 (Ảnh: Getty)

“Chính phủ Pháp và các cơ quan mật vụ của họ đã có một thất bại thảm hại và bẽ bàng trong việc rút ra những bài học sau vụ tấn công khủng bố văn phòng tạp chí Charlie Hebdo và các siêu thị hồi tháng Giêng”, một cựu quan chức cơ quan chống khủng bố của Mỹ, hiện là cố vấn FBI khẳng định trên tờ Ynetnews của Israel.

“Một lực lượng IS khổng lồ đã bận rộn lên kế hoạch và thực hiện tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu, trong thời gian dài. Thế nhưng những con người bất lực trong tình báo Pháp lại không hề hay biết. Thật đáng xấu hổ. Đó là một thảm họa tình báo”, người này khẳng định.

Theo Ynetnews, từ hai tuần trước, Pháp đã được cảnh báo về hiện tượng gia tăng bất thường liên lạc giữa các phần tử IS tại Trung Đông với các phần tử khác tại nhiều thành phố. Vậy nhưng giới chức Pháp chỉ triển khai các biện pháp bảo vệ, như tăng cường an ninh tại các đại sứ quán nước ngoài ở Paris. Không hề có thay đổi trong ý niệm, như chủ động phát giác và ngăn chặn các âm mưu khủng bố.

Người phát ngôn đảng Xã hội cầm quyền tại Pháp, bà Corinne Narassiguin ngày 14/11 thừa nhận: “Chắc chắn công tác tình báo đã thất bại”. Bà cho biết, gần đây chính phủ đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp mới để tăng cường giám sát các nghi phạm khủng bố, với thêm 2000 điểm kiểm soát được lập. “Không may là toàn bộ các biện pháp đó chưa được triển khai đầy đủ”, Narassiguin nói.

“Tại Pháp, người ta chưa khi nào thực sự nhận ra vấn đề”, Christian Harbulot, chuyên gia tình báo và quân sự Pháp khẳng định với tờ IBTimes. “Suốt một thời gian dài họ ứng xử với mối nguy cơ như một vấn đề của cảnh sát, thay vì một thách thức chiến lược. Tôi sợ rằng chúng tôi vẫn ở trong trạng thái tâm lý đó”.

Ông Harbulot và một số chuyên gia quân sự khác đã chỉ ra hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan an ninh, và khẳng định đây là lỗ hổng nguy hiểm. Ngoài ra, sự khác biệt về quy mô và tính tinh vi trong tổ chức so với các cơ quan tình báo Mỹ cũng là một điểm yếu.

“Chúng tôi có một hệ thống an ninh nội địa và an ninh nước ngoài”, Axel Dveyre, giám đốc một cơ quan tư vấn chiến lược, người từng là sỹ quan quân đội Pháp giải thích. “Nhưng chúng tôi chỉ có một cơ quan thu thập thông tin tình báo nước ngoài, đó là DGSE, trong khi người Mỹ có tới 17 cơ quan”.

Tuy nhiên, ngoài các nguyên nhân nội tại, còn có những lo ngại rằng, thiếu sót chết người trong kết nối thông tin giữa các lực lượng thực thi pháp luật châu Âu đã xảy ra, khiến những kẻ tấn công Paris lọt lưới.

Theo tờ Daily Mail, hôm 5/11, trong một đợt kiểm tra phương tiện thường kỳ trên tuyến cao tốc từ Salzburg Áo đi Munich Đức, cảnh sát đã phát hiện trên một chiếc VW Golf có một khoang bí mật “được thiết kế chuyên nghiệp”. Bên trong khoang này chứa đầy vũ khí và đạn dược. Lực lượng chức năng còn phát hiện nòng của súng AK-47 được tháo rời và giấu trong khoang máy.

Sau khi khám xét toàn diện chiếc xe, với nhiều khoang bí mật, cảnh sát thu giữ thêm 7 khẩu AK-47, cùng loại với những vũ khí được sử dụng trong các vụ tấn công Paris. Ngoài ra còn có 5 súng ngắn, 7 lựu đạn cầm tay, ngòi nổ, thiết bị kích hoạt. Lái xe khi đó khai nhận đang trên đường tới Paris.

Công dân Hồi giáo, 51 tuổi, đến từ Montenegro này đã bị bắt giam sau đó, nhưng từ chối khai nhận. Thế nhưng thông tin này lại không được cảnh sát bang Bavaria, Đức chuyển tới cơ quan chống khủng bố, mà chỉ cảnh báo Interpol.

Thủ hiến bang Bavaria Horst Seehofer ngày 14/11 mới tiết lộ: “Chúng tôi có bắt giữ được một nghi phạm, và có lí do hợp lí để tin rằng kẻ này có liên quan đến những vụ việc tại Paris”.

Thanh Tùng

Tổng hợp

 

Những câu hỏi lớn sau vụ thảm sát đẫm máu ở Paris - 4