1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kỷ niệm 55 năm ngày mất của Stalin:

Nhìn lại cuộc đời nhà lãnh đạo Xô Viết Joseph Stalin

(Dân trí) - Vào ngày 5/3/1953, Joseph Stalin, người đã lãnh đạo nhân dân Liên Xô đánh bại phát xít Đức và đưa đất nước từ lạc hậu trở thành một siêu cường của thế giới với tiềm lực công nghiệp và quân sự khổng lồ, đã qua đời tại nhà riêng ở ngoại ô Matxcơva.

55 năm trôi qua, mặc dù còn những tranh cãi về cuộc đời ông nhưng Stalin vẫn là một trong những nhân vật biểu tượng của thế kỷ 20.

 

Joseph Stalin tên thật là Iosif Vissarionovich Dzhugashvili. Ông sinh ngày 21/12/1879 tại thị trấn Gori, Grudia, trong một gia đình nghèo.

 

Mẹ ông, một người rất sùng đạo, đã đưa Stalin tới một trường tôn giáo địa phương năm 1888. Tại đây, Stalin đã giành được học bổng tới trường dòng Tiflis ở Grudia. Vừa học, Stalin đã gia nhập một tổ chức bí mật ủng hộ Grudia độc lập khỏi Nga. Quan trọng hơn, đó cũng là nơi Stalin lần đầu tiên được tiếp cận với lý tưởng Các Mác

 

Bị đuổi khỏi trường vào năm 1899 vì truyền bá chủ nghĩa Mác tới các sinh cùng trường, Stalin đã trở thành nhà báo cho một tờ báo theo Chủ nghĩa Xã hội ở Grudia. Vào năm 1902, Stalin bị đày tới Siberia sau khi tham gia đình công tại một nhà máy. Sau khi được thả, Stalin đã gia nhập đảng Cộng sản Liên Xô và gặp Lênin lần đần tiên vào năm 1905. Tuy nhiên, ông lại bị lưu đày tới Siberia lần thứ 2 trong đời năm 1913.

 

Sau khi chế độ phong kiến Nga hoàng bị lật đổ, chính phủ lâm thời đã ban lệnh ân xá cho các tù nhân chính trị và Stalin trở về St Petersburg, nơi ông đảm nhiệm vị trí tổng biên tập tờ báo Pravda (Sự thật).

 

Stalin tham gia Cách mạng tháng 10 và sau khi Cách mạng tháng 10 Nga thành công, dưới sự lãnh dạo của Lênin và đảng Cộng sản Liên Xô, Stalin đã được giao các trọng trách khác nhau trong nhà nước Liên bang Xô Viết.

 

Năm 1922, Stalin được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Stalin lên nắm quyền sau cái chết của nhà lãnh đạo Vladimir Lenin năm 1924.

 

Khi Thế chiến II bùng nổ, Stalin được cho là đã bị bất ngờ và chán nản trong những ngày đầu của cuộc chiến. Tuy nhiên, ông đã nhanh chóng lấy lại được tinh thần và kêu gọi người dân Liên Xô đuổi quân phát xít ra khỏi đất nước.

 

Dưới sự lãnh đạo của Stalin và Đảng Cộng sản Liên Xô, nhân dân Liên Xô đã giành thắng lợi trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại chống phát xít Đức (1941-1945), giải phóng nhiều nước ở Trung và Đông Âu dẫn tới sự thành lập hệ thống Xã hội Chủ nghĩa.

 

Sau chiến tranh, Đảng Cộng sản Liên Xô do Stalin đứng đầu đã lãnh đạo nhân dân khôi phục kinh tế, xã hội, chế tạo thành công bom nguyên tử, đưa Liên Xô lên địa vị cường quốc xã hội chủ nghĩa đương đầu với Mỹ trong Chiến tranh lạnh

 

Năm 1953, ông Stalin bị bệnh huyết áp cao. Vào ngày 5/3 cùng năm đó, ông qua đời tại căn hộ ở ngoại ô Matxcơva.

 

Stalin được ghi nhận có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Nhà nước Liên Xô. Tuy nhiên, ông cũng bị phê phán về một số sai lầm trong 30 năm nắm quyền và tệ sùng bái cá nhân.

 

Di sản của Stalin vẫn sống cho tới ngày nay. Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga Gennady Zyuganov so sánh Stalin với “Những nhân vật vĩ đại nhất của thời kỳ Phục hưng”.

 

Một cuộc thăm dò tại Nga mới đây cho thấy, hơn 1 nửa số người được hỏi tin rằng vai trò của Stalin trong lịch sử Nga là rất tích cực. 20% cho rằng ông là người “tài năng và nhân đức”. Một cuốn sách giáo khoa của Nga xuất bản năm 2007 đã mô tả 30 năm lãnh đạo của Stalin là “hiệu quả”.

 

VTH

Theo Novosti, Bách khoa toàn thư