1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản triển khai tàu khu trục đối phó với tên lửa Triều Tiên

(Dân trí) - Nhật Bản đã bố trí 3 tàu khu trục trang bị các hệ thống tên lửa tối tân, chờ mệnh lệnh bắn rơi những mảnh vỡ từ một tên lửa của Triều Tiên có thể bay vào không phận Nhật Bản.

Nhật Bản triển khai tàu khu trục đối phó với tên lửa Triều Tiên  - 1
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada.
 
“Đối phó và loại trừ những mảnh vỡ từ tên lửa của Triều Tiên đe doạ an toàn của người dân là rất quan trọng”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada nói.

Hai tàu khu trục đã rời căn cứ quân sự ở Sasebo đến Biển Nhật Bản. Tàu khu trục thứ ba cũng đã rời căn cứ ở Yokosuka. Nhật bản bố trí hai chiến hạm ở biển Nhật Bản, nằm giữa Nhật và Triều Tiên. Các chiến hạm này trang bị hệ thống tên lửa Aegis có khả năng bắn rơi tên lửa của đối thủ. Một tàu khu trục thứ ba được bố trí ở Thái Bình Dương - nơi mà hỏa tiễn của Triều Tiên dự kiến sẽ rơi về trái đất.

Trên đất liền, 4 đơn vị tên lửa điều khiển Patriot sẽ được triển khai tại Akita, Iwate và ở thủ đô Tokyo gần Bộ Quốc phòng và Cung điện của Quốc vương.

Việc bố trí hai tàu khu trục có trang bị hệ thống theo dõi quỹ đạo tên lửa và tên lửa đánh chặn được tiến hành ngay sau khi chính phủ Nhật quyết định bắn hạ mọi tên lửa và xác tên lửa có khả năng đe dọa an ninh quốc gia.

Trong khi đó, Nhật Bản đã cùng Mỹ và Hàn Quốc thoả thuận rằng nếu Triều Tiên phóng tên lửa thì vấn đề này sẽ được đưa ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cả 3 nước đều tố cáo Triều Tiên dùng vụ phóng này để trắc nghiệm khả năng tên lửa và như vậy là vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Khả năng nào từ Tokyo?

Cũng như Washington, Tokyo nghi ngờ Triều Tiên qua dự án phóng vệ tinh thực ra là thử tên lửa tầm xa. Chính Triều Tiên cảnh báo là tầng thứ nhất của hỏa tiễn có thể rơi xuống biển Nhật Bản, ngoài khơi tỉnh Akkita. Và tầng thứ hai có thể rơi giữa Nhật Bản và đảo Hawai.

Tuy nhiên, Tokyo cũng nói rõ thêm là chỉ bắn tên lửa hay những mảnh tên lửa có nguy cơ rơi xuống lãnh thổ này, chứ không có ý định phá hủy hoả tiễn chỉ bay qua bầu trời Nhật Bản.

Theo tinh thần của bản Hiến pháp chủ hòa, Nhật Bản chỉ có thể bắn hạ một tên lửa của Triều Tiên khi tên lửa này có nguy cơ hướng vào lãnh thổ Nhật Bản do sự cố kỹ thuật, khiến hành trình bay bị sai lệch. Nếu như tên lửa đó chỉ bay qua quần đảo Nhật Bản như trường hợp năm 1998 thì Nhật Bản không được phép bắn hạ.

Theo giới quan sát, thay vì trực tiếp hành động, có nhiều khả năng Nhật Bản dựa vào Mỹ là chính.

Trước Quốc hội, Ngoại trưởng Nhật Bản Hirofumi Nakasone tuyên bố rằng không có gì ngăn cản việc Mỹ ra tay giúp Nhật Bản phá hủy tên lửa Triều Tiên bay về hướng quần đảo này. Rõ ràng, Tokyo đã để ngỏ cho đồng minh Mỹ quyền quyết định bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu an ninh quốc gia bị đe dọa trực tiếp.

Như vậy, đồng minh Mỹ sẽ phải đưa ra quyết định. Washington và Tokyo đã cho triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa xung quanh quần đảo Nhật Bản. Những thành phố nằm dọc bờ biển Nhật Bản nhìn sang Triều Tiên đang được đặt trong tình trạng báo động. Người dân ở đây đang phải tập dượt đề phòng trường hợp tên lửa Triều Tiên bắn tới lãnh thổ Nhật Bản.

Nguyễn Viết
Theo UPI, AP, AFP