1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản: Cha mẹ già chật vật tìm bạn đời cho con

Minh Phương

(Dân trí) - Chi phí sinh hoạt tăng, triển vọng kinh tế kém và văn hóa làm việc khắt khe cản trở hôn nhân của con cái khiến nhiều cha mẹ cao tuổi ở Nhật Bản phải tự tìm bạn đời cho con.

Nhật Bản: Cha mẹ già chật vật tìm bạn đời cho con - 1

Các phụ huynh dự một sự kiện tìm bạn đời cho con ở Nhật Bản (Ảnh: AFP).

Theo Guardian, sự kiện omiai hay còn gọi là sự kiện mai mối diễn ra gần đây ở thành phố Osaka, Nhật Bản đã thu hút được sự quan tâm đáng kể. Tuy nhiên, khách tham dự không phải giới trẻ mà là những phụ huynh đã cao tuổi muốn tìm kiếm bạn đời cho con.

Một cặp vợ chồng khoảng 80 tuổi có cậu con trai 49 tuổi đã dành quá nhiều thời gian cho công việc mà không chú ý đến đời sống tình cảm.

Một cặp vợ chồng khác, ở độ tuổi 70, cho biết cô con gái 42 tuổi của họ không hẹn hò vì muốn được tự do đi chơi với bạn bè bất cứ khi nào cô muốn. Cô con gái cho biết "rất vui khi cha mẹ giúp đỡ việc tìm kiếm bạn đời".

Các bậc cha mẹ ở Nhật Bản sẵn sàng bỏ tiền tham dự sự kiện mai mối cho con, những người đã trưởng thành nhưng không mảy may có ham muốn lập gia đình.

Theo dữ liệu do chính phủ Nhật Bản công bố, tính đến tháng 1, dân số nước này đã giảm kỷ lục hơn 800.000 người. Đằng sau sự sụt giảm dân số đó là số lượng các cuộc hôn nhân và sinh sản ngày càng giảm.

Năm 2021, số lượng kết hôn mới đăng ký giảm xuống còn hơn 501.000 trường hợp, ít nhất kể từ khi sau Thế chiến II. Tỷ lệ sinh Nhật Bản cũng chạm mức thấp kỷ lục là 1,3 trẻ trên một phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.

Những con số này khiến các bậc phụ huynh Nhật Bản buộc phải vào cuộc. Trước đây, mọi người có thể cảm thấy xấu hổ khi đến tham dự những sự kiện mai mối cho con cái, tuy nhiên điều này giờ đã trở nên phổ biến.

Hầu hết những người độc thân ở độ tuổi 30 và 40, người trẻ nhất 28 tuổi và người lớn nhất đã 51 tuổi. Họ làm nhiều nghề khác nhau, từ bác sĩ, y tá đến công chức, thư ký.

Nhiều phụ huynh cảm thấy phương thức này có tác dụng nhất định, tiết kiệm thời gian, tăng cơ hội gặp mặt cho những người độc thân bận rộn và giúp họ thẳng thắn trong việc bày tỏ mong muốn hay điểm trừ ở người bạn đời.

Tuy nhiên, đây không thể xem là giải pháp toàn diện. Những yêu cầu khắt khe về học vấn, định kiến giới trong xã hội Nhật Bản, khúc mắc về hoàn cảnh gia đình… vẫn là những trở ngại lớn khi người Nhật Bản chọn đối tượng kết hôn. Khảo sát cho thấy có 80% người độc thân hiện vẫn muốn kết hôn, nhưng chỉ có hơn 10% các cuộc mai mối như vậy thành công.

"Dù mong muốn có cháu đến đâu, sự đồng tình, sẵn sàng của con cái cho hôn nhân và sinh đẻ mới là điều nên được cha mẹ đặt lên hàng đầu", một chuyên gia tư vấn hôn nhân nêu ý kiến.

Theo AFP