1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người canh giữ ngọn hải đăng cuối cùng của Mỹ

(Dân trí) - Sally Snowman là người duy nhất ở Mỹ hiện nay làm nhiệm vụ canh giữ ngọn hải đăng và bà có thể là người cuối cùng ở đất nước tiên tiến, hiện đại này làm công việc rất được coi trọng cách đây nhiều thế kỷ. Song bà không có ý định biến mất.

Sally Snowman, 56 tuổi, vừa là nhà sử học, vừa là hướng dẫn viên du lịch, và vừa là người bảo dưỡng duy trì, chăm sóc cho ngọn hải đăng Boston, ngọn hải đăng mọc vút cao 27m trên đảo Little Brewster ở Boston. Đây là ngọn hải đăng đã dẫn đường cho các thủy thủ qua suốt ba thế kỷ.

 

Ống kính có thể xoay tròn 12 cạnh được thiết kế đặc biệt của ngọn hải đăng khiến cho nó có thể tỏa sáng tới vị trí cách xa tới 27 hải lý. “Khi đi ra đảo vào ban đêm, bạn có thể nhìn thấy 12 tia sáng”, Snowman cho biết. “Nó làm cho tôi có cảm giác được bảo vệ, không có gì có thể làm hại tôi được”.

 

Người canh giữ ngọn hải đăng cuối cùng của Mỹ - 1

Bà Snowman nói chuyện qua điện đàm từ trên đỉnh ngọn hải đăng Boston.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã áp dụng chế độ tự động hóa đối với 278 ngọn hải đăng khác của liên bang. Kể từ khi hệ thống định vị toàn cầu sử dụng công nghệ vệ tinh phát triển, người ta đã tìm được cách hỗ trợ cho ngành hàng hải khác tốt hơn và cũng ít tốn kém hơn.

 

Tuy nhiên, ngọn hải đăng Boston, ngọn hải đăng được xây dựng vào năm 1716, ngọn hải đăng đầu tiên trong thời Mỹ còn là thuộc địa của Anh, lại khác. Nó vẫn có người trông giữ, nhờ có sự giúp đỡ của thượng nghị sỹ bang Massachusetts Edward Kennedy. Hai thập kỷ trước, thượng nghị sỹ đã giúp thông qua đạo luật yêu cầu cần phải có người trông nom ngọn hải đăng đều đặn.

 

Người canh giữ ngọn hải đăng cuối cùng của Mỹ - 2

Bà Snowman có thể là người cuối cùng ở Mỹ làm công việc canh giữ ngọn hải đăng.

Bà Snowman nhận công việc ở ngọn hải đăng vào năm 2003 khi Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ quyết định sẽ cho một “thường dân” làm công việc này. Kể từ đó bà ở trên hòn đảo rộng 3hecta tới cả tuần mới trở vào đất liền một lần.

 

Khi ở trên đảo, bà phải đảm bào ngọn hải đăng cũng như lều của người canh giữ, cùng các tòa nhà khác phải được duy trì; ngọn đèn 1.000 wat phải sáng; và sàn nhà phải đủ an toàn cho 4.000 khách du lịch từ cảng Boston tới tham quan mỗi năm.

 

Người canh giữ ngọn hải đăng cuối cùng của Mỹ - 3

Bà Snowman dưới chân tháp ngọn hải đăng.

Bà Snowman đội mũ vải có diềm, mặc váy dài giống cách ăn mặc của phụ nữ năm 1783, năm Massachusetts xây dựng lại ngọn hải đăng bị lính Anh phá hủy vào năm 1776 khi rút quân khỏi Mỹ. Hai lần một ngày bà đi kiểm tra các tòa nhà trên đảo, để đảm bảo đèn vẫn  được cung cấp điện từ cáp ngầm dưới lòng biển kéo từ đất liền ra, và mực nước trên đảo cũng như các hệ thống liên lạc khác vẫn ổn định.

 

Trong khi đó, bà còn giám sát một đội khoảng 100 tình nguyện viện giúp bà nhận các bản đọc về thời tiết và lấp hàng trăm lỗ nhỏ trên đảo do loài chuột gây ra.

 

Người canh giữ ngọn hải đăng cuối cùng của Mỹ - 4

Bà Snowman vừa là người canh giữ, vừa là hướng dẫn viên du lịch ở ngọn hải đăng.

Tự động hóa không phải là thay đổi duy nhất đối với các ngọn hải đăng ở Mỹ. Khi các nhà hàng hải dựa vào các công nghệ tiên tiến khác để định vị đường đi trên biển, chính phủ Mỹ bắt đầu bán hoặc tặng các ngọn hải đăng có giá trị lịch sử, nhưng không còn cần thiết cho ngành hàng hải nữa. Theo các quan chức thuộc lực lượng Bảo vệ bờ biển, hơn 300 ngọn hải đăng như thế đã được chuyển cho tư nhân quản lý.

 

Tuy nhiên với những người lái tàu hoặc thuyền câu cá nhỏ, ngọn hải đăng vẫn có một ý nghĩa nhất định. “Chúng vẫn giúp định phương hướng, bởi chúng có thể nhìn thấy từ khoảng cách rất xa”, David Bryan, tổng giám đốc câu lạc bộ bơi thuyền Boston cho biết. Người thầy dạy bơi thuyền và hàng hải này còn cho biết: “Mặc dù giờ mọi người đều dùng hệ thống định vị vệ tinh và không cần đến ngọn hải đăng nữa, nhưng theo tôi, khi đi biển bạn có càng nhiều càng thông tin càng tốt”.

 

Người canh giữ ngọn hải đăng cuối cùng của Mỹ - 5

Đảo nhỏ nơi có ngọn hải đăng Boston nhìn từ cảng Boston.

Ngoài vai trò “dẫn đường” đối với những người đi biển, ngọn hải đăng Boston còn là địa điểm hấp dẫn khách du lịch. “Đối với nhiều người, ngọn hải đăng là cảm giác hi vọng, là niềm an ủi về tinh thần. Họ nhìn thấy ngọn hải đăng và thấy như đã được trở về nhà an toàn”, bà Snowman giải thích.

 

Phan Anh

Theo Reuters