1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đại sứ Pakistan tại VN Habib – Ur - Rahman:

Ngoại giao càng phải học nhiều

(Dân trí) - Nom ông có cái vẻ hóm hỉnh vốn hay có của những người làm nghề ngoại giao. Dáng người tầm thước, bộ râu đặc trưng của những người theo đạo Hồi, ánh mắt luôn tươi cười đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp ông Habib - Ur - Rahman, Đại sứ Pakistan tại VN.

Ông nói nhà của ông hầu như không có ngày nào không có khách tới thăm. Và dù có gặp lần đầu thì ông cũng coi tôi, một nhà báo như người trong nhà. Có lẽ vì vậy mà câu chuyện của chúng tôi kéo dài đến gần 2 giờ đồng hồ cũng chưa dừng lại. Ông kể về thời thanh niên sôi nổi của mình, kể về nghề ngoại giao và kể về những kỷ niệm khi ông nhậm chức Đại sứ ở VN...

 

Trong số hơn 100 Đại sứ quán nước ngoài đóng ở HN, thì Đại sứ quán Pakistan là một trong không nhiều Đại sứ quán luôn luôn đông khách tới thăm. Có cái gì hay hay, bộ phận quan hệ báo chí của ĐSQ lại alô cho các nhà báo và chúng tôi lại gặp nhau ở khuôn viên Đại sứ quán. Căn phòng của ông bài trí rất đẹp, có hồn.  Bỏ đi cái vẻ ngoại giao mà nói chung các Đại sứ thường phải có, Đại sứ Habib (cho phép tôi gọi ông thân mật như vậy) liền trở lại cái vẻ hóm hỉnh, trẻ trung như một tính cách của ông.

 

Tôi hỏi ông, thời gian mới gần 2 năm làm Đại sứ ở VN ông thấy ấn tượng nhất điều gì, Đại sứ Habib cười hóm hỉnh: Đó là người VN luôn tươi cười. Hình như tiềm ẩn trong con người VN luôn có một sức sống rất mạnh mẽ. Mà phải rất lạc quan mới luôn cười được. Điều đó tôi cũng học được ở các bạn nhiều đấy.

 

Rồi Habib kể, để khảo sát nụ cười VN có lần ông đã chất cả gia đình lên 1 chiếc xe và chạy xuyên Việt. Chuyến đi dài  để lại rất nhiều ấn tượng trong ông và vợ con. Bà vợ ông, một người phụ nữ Pakistan lúc nào cũng quấn chiếc khăn trên đầu nhưng không che hết khuôn mặt như tôi  vẫn thường thấy ở những người phụ nữ đạo Hồi ngồi cạnh hào hứng kể thay ông: "Tôi đặc biệt thích chuyến đi xuyên Việt này, bởi có rất nhiều thứ tôi khám phá được ở đất nước các bạn".

 

Thế còn ăn uống dọc đường thì sao, khi ông bà phải ăn theo cách của người theo đạo Hồi? (Người đạo Hồi hầu như không ăn được các món ăn có thịt mà người VN thường ăn, nhất là món ăn từ thịt lợn là con vật thiêng của người theo đạo Hồi).

 

"Chúng tôi mang theo cả một cái "nhà bếp". Dọc đường nếu cần nghỉ ngơi, nấu nướng chỗ nào, người dân dọc đường sẵn sàng cho chúng tôi mượn bếp để chế biến mà không lấy tiền công."

 

Ông có thể kể một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm ngoại giao của ông khi còn trẻ?

 

Khi đó tôi là một thanh niên còn rất trẻ mới bước vào con đường ngoại giao. Ở Pakistan làm ngoại giao là một nghề chọn lọc rất kỹ, phải học giỏi, có năng khiếu trong nghề này mới được chọn.

 

Hồi đó, tôi làm bí thư thứ nhất Đại sứ quán Pakistan ở Trung Quốc. Lúc đó Thủ tướng Pakistan sang thăm TQ và nghỉ tại một khách sạn cũng có nhiều người nước ngoài ở. Ởå tiền sảnh của khách sạn có vài tờ báo Trung Quốc in băng tiếng Anh.

 

Một vài người trong nói rằng họ không thấy báo chí Trung Quốc đưa tin về chuyến thăm của Thủ tướng Pakistan. Chuyện này đến tai Thủ tướng và ông đã gọi tôi lên và định quạt cho một trận. Tôi bình tĩnh giải thích: Thưa ngài Thủ tướng, tất cả báo chí TQ đều có tin chuyến thăm của ngài nhưng họ viết bằng tiếng Trung Quốc, chứ không phải bằng tiếng Anh nên làm sao ngài đọc được.

 

Ngoại ngữ tác động đế vấn đề ngoại giao quan trọng như thế đấy. Tôi thì có quan niệm hoàn toàn khác hẳn, chỉ viết bằng tiếng của nước sở tại thì mới phát huy được ngoại giao giữa hai nước.

 

Tôi thấy cả vợ ông và con trai đều nói tiếng Anh rất giỏi?

 

Đó là vì Pakistan cũng là một đất nước coi tiếng Anh như một thứ ngoại ngữ không thể thiếu và mọi người đều phải thông thạo. Ngoại ngữ giúp cho vấn đề mở rộng giao tiếp được rất tốt. (Vậy mà lúc nhìn thấy vợ ông, một người phụ nữ Pakistan đi ra, với cái vẻ nhu mì hiền dịu và rất xinh đẹp tôi đã thầm nghĩ có lẽ ông Habib đưa vợ đi theo chỉ để làm cảnh chứ bà ấy chắc chỉ ngồi cho đủ lệ bộ thôi, không ngờ...).

 

Theo như vợ ông giải thích thì ở Pakistan không có chuyện phụ nữ ra đường phải bịt mặt hay phụ nữ chỉ làm công việc gia đình. Giữa phụ nữ và nam giới bây giờ hoàn toàn bình đẳng trong quan hệ và trong công việc.

 

Nếu có một lời phàn nàn về nghề làm Đại sứ thì đó là điều gì thưa ông?

 

Bệnh tiểu đường.

 

Habib cười. Ông giải thích:  Bao năm làm Đại sứ, tiếp xúc với rất nhiều đại sứ của nhiều nước, ông thấy  hầu như ai cũng bị bệnh tiểu đường, đó là vì nghề đại sứ luôn là nghề mà phải cười, bắt tay xã giao và... tiệc tùng. Ăn nhiều, uống nhiều, ăn uống cũng vì lợi ích quốc gia là nguyên nhân gây nên tiểu đường.

 

Có mấy vị  đại sứ thỉnh thoảng khi gặp nhau, trong câu chuyện lại lắc đầu than: Hôm trước đi kiểm tra sức khoẻ đã thấy bác sĩ thông báo bị tiểu đường. Nghề nào cũng có sự nghiệt ngã của nó cả. Người ta nhìn thấy một ông hay bà đại sứ nghĩ đó là một nghề thật sung sướng. Chỉ có tiếp khách và tiệc tùng, nhưng đằng sau đó lại không chỉ như vậy.

 

Biết trên báo điện tử Dân Trí có chuyên mục sức khoẻ ông Habib đề nghị nếu có lúc nào đó gặp được một bác sĩ hay chuyên gia về bệnh tiểu đường hãy mách cho ông. Ông đã chung sống với căn bệnh này gần 20 năm nay và chính vì vậy mà vợ ông luôn chăm sóc vấn đề ăn uống của ông rất cẩn thận.

 

Vậy có khi nào ông chán nghề này không?

 

Không. Tôi rất yêu nghề này. Đó là một nghề rất vinh quang. Đại sứ, có nghĩa đại diện cho cả một quốc gia, dân tộc ở một quốc gia khác. Vậy phải làm sao để hình ảnh của đất nước mình đươc quốc gia đó biết đến với sự thân thiện càng nhiều càng tốt. Ví dụ như hôm nay bạn đến nhà tôi, qua câu chuyện mà chúng ta trò chuyện bạn hiểu hơn về đất nước Pakistan về con người chúng tôi.

 

Ông có nhiều người bạn VN không?

 

Rất nhiều là đằng khác. Không phải chỉ là các quan chức đâu nhé, họ là những người rất bình thường, ví dụ như bà bán hoa quả mà chúng tôi thường mua hay nhân viên cửa hàng cắt may mà thỉnh thoảng chúng tôi đặt may. Hay như người đầu bếp của Đại sứ quán mà mới đây chúng tôi đã tổ chức đám cưới cho cô ấy ngay tại đây. Rất vui và tôi có thêm những người bạn mới. Gia đình cô dâu chú rể ở tận Nghệ An mang ra rất nhiều đặc sản là kẹo Cu đơ.

 

Theo ông ngoại giao có phải là một nghề phải luôn luôn học hỏi  không?

 

Làm ngoại giao là phải học suốt đời. Một nhiệm kỳ của một đại sứ ở một quốc gia chỉ kéo dài vài ba năm, sau đó có thể sang một nước khác. Khi sang một nước mới phải tìm hiểu kỹ về quốc gia đó mới làm ngoại giao tốt được. Có nghĩa phải luôn luôn học hỏi. Phải tìm hiểu để biết được phong tục, tập quán của quốc gia mà mình làm đại sứ. Phải đọc thật nhiều sách viết về quốc gia đó, xem phim, đến viện bảo tàng, rồi tiếp xúc với người dân trong đời thường.

 

Nếu ở nhiệm kỳ kế tiếp, được lựa chọn ông sẽ chọn làm đại sứ ở đâu?

 

Tôi thích làm ở VN. Tôi không nói khách sáo đâu mà thật lòng đấy. Các bạn còn giữ được rất nhiều truyền thống tốt đẹp. Khí hậu lại dễ chịu, con người thân thiện. Ngay cả vợ con tôi cũng thích ở VN.

 

Khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông có phải chuyển cho một cơ quan nào duyệt không?

 

Không. Sự trả lời của tôi phục vụ cho sự hợp tác phát triển cùng vì lợi ích chung của 2 quốc gia.

 

Gia đình ông có phải là chỗ dựa tuyệt vời nhất đối với ông, một đại sứ?

 

Habib quay sang nhìn bà vợ một cách trìu mến, rồi ông kể: Khi trẻ ông và bà ấy không phải tìm hiểu qua tình yêu mà do bố mẹ hai bên sắp đặt. Đó cũng là phong tục của người Pakistan. Nhưng khi lấy nhau rồi tình yêu mới đến. Bà ấy luôn bên cạnh tôi, chăm sóc cho tôi. Không có bà ấy tôi rất khó có thể hoàn thành công việc của mình.

 

Đại sứ Habib mời chúng tôi trong dịp gần đây nhất đến nhà ông dự một bữa cơm thân mật theo phong cách của người Pakistan. Từ trước đến nay, trong suy nghĩ của tôi, người theo đạo Hồi hoặc các nước Hồi giáo ở Trung Đông thường  có cách sống tưong đối biệt lập với bên ngoài. Nhưng tiếp xúc với đại sứ Habib tôi hiểu rằng tôi hoàn toàn nhầm. Ông cởi mở hơn nhiều những người mà tôi cứ nghĩ rằng họ cởi mở. Và đặc biệt ông rất chân tình. Chân tình cả trong cách ông ấy ngồi, mời tôi uống trà, trò chuyện và tiễn chúng tôi về.

Thực ra ông đang làm một đại sứ rất uyên bác! Tôi nói với ông như vậy trước khi chia tay còn ông thì trả lời: Hãy coi ngôi nhà của tôi như ngôi nhà của các bạn.

Hiền Chi Mai