1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga tung đòn liên hoàn vỗ mặt Mỹ

Nga liên tiếp thực hiện những đòn tấn công ngoại giao và quân sự quyết liệt vỗ mặt Mỹ cùng các đồng minh.

Đá trách nhiệm cho Mỹ

Mới nhất, Ngoại trưởng Sergei Lavrov bày tỏ hy vọng rằng Mỹ sẽ sẵn sàng thỏa hiệp để các thỏa thuận Minsk về cuộc khủng hoảng Ukraine có thể được thực thi.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh Ren-TV phát ngày 13/3, ông Lavrov nhấn mạnh: "Tôi hy vọng phía Mỹ hiểu được sự cần thiết của việc tìm kiếm một số thỏa hiệp, điều sẽ cho phép các thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng Nga đang đứng trước sự lựa chọn giữa việc tiếp tục phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc thực hiện những nghĩa vụ theo thỏa thuận Minsk.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov vừa đẩy “quả bóng” trách nhiệm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine sang phía Mỹ, vừa bóng gió ra điều kiện để Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Trước thái độ của Mỹ và sự “ngoan cố” của người Thổ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn này tuyên bố Nga sẽ kiên quyết yêu cầu Liên hợp quốc (LHQ) chống lại tối hậu thư của Thổ Nhĩ Kỳ và mời người Kurd tham dự hòa đàm về xung đột Syria.

Ông Lavrov khẳng định: “Nga có cùng lập trường với bất cứ một quốc gia nào khác ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ kiên quyết yêu cầu LHQ không nhượng bộ trước các tối hậu thư, đồng thời mời người Kurd ngồi vào bàn đàm phán ngay khi hòa đàm bắt đầu”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov

Ông Lavrov cho rằng người Kurd phải là một phần của hòa đàm nếu tiến trình này là nhằm đảm bảo chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Nếu người Kurd bị loại khỏi cuộc đàm phán về tương lai của Syria, họ sẽ “mất niềm tin vào cộng đồng quốc tế”.

Bên cạnh đó, ông Lavrov cũng nhấn mạnh Nga có bằng chứng cho thấy lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt trên lãnh thổ Syria. Ông gọi những hành động của Ankara tại biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ là “sự bành trướng dần dần”.

Ngoại trưởng Nga tuyên bố Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura cần đưa ra quyết định cho phép người sắc tộc Kurd ở Syria tham gia hòa đàm bởi tiến trình này không có sự tham gia của người Kurd sẽ "thể hiện sự yếu đuối" của cộng đồng quốc tế.

Sự quyết liệt của Nga

Trước đó, ngày 11/3, Điện Kremlin tuyên bố việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria mang ý nghĩa sống còn với Nga.

Trả lời báo giới, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc duy trì toàn vẹn lãnh thổ Syria có thể là "nền móng" cho nhiều quốc gia và là một ưu tiên của Moskva.

Cũng theo ông Peskov, Nga hy vọng tất cả các phái đoàn liên quan sẽ tham gia cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột Syria tại Geneva vào tuần sau.

Máy bay chiến đấu của Nga tại Syria
Máy bay chiến đấu của Nga tại Syria

Trên thực địa ở Syria, quân đội Nga cũng cho thấy sự quyết liệt của mình. Các nguồn tin phương Tây ngày 10/3 xác nhận ít nhất 20 chiến binh thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị tiêu diệt trong một loạt cuộc không kích của Nga và quân đội Syria nhằm vào các mục tiêu thánh chiến tại thành phố Palmyra, miền Trung Syria.

Ngoài ra còn có hơn 50 tay súng khác bị thương "trong ít nhất 35 cuộc không kích của máy bay Nga và Syria nhằm vào các khu vực của thành phố Palmyra". Giao tranh dữ dội cũng xảy ra gần đó giữa binh sĩ chính phủ và lực lượng IS.

Không chỉ thể hiện sự cứng rắn tại Syria, Nga tiếp tục sử dụng con bài cung cấp tên lửa S-300 cho Iran.

Ngày 11/3, hãng thông tấn RIA dẫn lời ông Sergei Chemezov - người đứng đầu tập đoàn công nghiệp Rostec của Nga - cho biết Moskva sẽ chuyển giao lô hệ thống tên lửa phòng không S-300 đầu tiên cho Iran vào tháng 8 hoặc 9 tới.

Trước đó, RIA từng đưa tin những tên lửa S-300 có thể được vận chuyển tới Iran trong tháng 2 vừa qua.

Ở trong nước, Nga tiếp tục tăng cường sức mạnh cho quân đội bằng các mẫu vũ khí mới bất chấp khó khăn kinh tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/3 cho biết chương trình hiện đại hóa vũ khí của quân đội nước này sẽ không bị ảnh hưởng do việc cắt giảm ngân sách vì các vấn đề kinh tế.

Quân đội Nga tiếp tục nhận nhiều mẫu vũ khí mới và tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn trong tình hình nóng
Quân đội Nga tiếp tục nhận nhiều mẫu vũ khí mới và tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn trong tình hình nóng

Phát biểu tại một cuộc họp với các quan chức quân sự hàng đầu của Nga, ông Putin nêu rõ quân đội nước này năm ngoái đã nhận được hàng trăm máy bay, tên lửa và các phương tiện bọc thép mới như là một phần của chương trình nâng cấp vũ khí đầy tham vọng.

Ông Putin lưu ý rằng các loại vũ khí mới của Nga đã chứng tỏ giá trị của chúng trong những chiến dịch trên không của Moskva ở Syria.

Cũng trong ngày 11/3, tại Trung tâm Phòng thủ Quốc gia ở Moskva, Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Nga Vladimir Putin đã chủ trì ngày tiếp nhận các sản phẩm quốc phòng diễn ra 3 tháng 1 lần. Tại đây, ông Putin đã nghe báo cáo trực tiếp qua cầu truyền hình từ các đơn vị quân đội, sân bay, căn cứ hải quân về chất lượng và chủng loại vũ khí mà các đơn vị tiếp nhận.

Trực thăng chiến đấu Ka-52 của Nga
Trực thăng chiến đấu Ka-52 của Nga

Tổng thống Nga khẳng định nhà nước sẽ tiếp tục sự hỗ trợ cần thiết đối với các xí nghiệp quốc phòng. Ông Putin đặc biệt lưu ý tới chương trình thay thế hàng nhập khẩu.

Theo nhà lãnh đạo Nga, việc sản xuất nhiều chi tiết trước đây nhập khẩu từ nước ngoài được triển khai tốt, nhưng vẫn chưa sản xuất được một số linh kiện thay thế quan trọng. Ông đề nghị tích cực mở rộng sản xuất, hoặc trong trường hợp cuối cùng phải tìm ra các nhà cung cấp thay thế.

Theo ông Putin, trong năm 2015, quân đội Nga nhận được hơn 4.000 đơn vị vũ khí và thiết bị quân sự, điều đã "xác định diện mạo của lực lượng vũ trang hiện đại". Trong số này có 96 chiến đấu cơ, 81 máy bay trực thăng, 2 tàu ngầm đa năng, 152 tổ hợp tên lửa phòng không, 291 radar, hơn 400 pháo và xe bọc thép.

Đáng chú ý, trong năm 2015, quân đội Nga đã tiếp nhận 12 máy bay tiêm kích đa năng Su-35S, 4 chiếc trong số này đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở Syria.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov đã báo cáo với Tổng thống Putin rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quân đội, kể cả ở khu vực Bắc Cực, cũng được tăng tốc.

Mỹ cùng các đồng minh khó có thể phớt lờ những động thái ngoại giao và quân sự dồn dập của Nga trong vài ngày qua, đặc biệt trong bối cảnh cuộc hòa đàm Syria sắp được nối lại và các bên có dấu hiệu thỏa hiệp về Ukraine.

Theo Long Thành

Đất Việt