DNews

Nga - Triều bắt tay, phương Tây khó xử

Quốc Đạt

(Dân trí) - Sau hơn 3 năm, đoàn tàu bọc thép màu xanh đậm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu lăn bánh ra nước ngoài, với điểm đến là Vùng Viễn Đông của Nga.

Nga - Triều bắt tay, phương Tây khó xử

Chuyến đi lập tức thu hút chú ý lớn của dư luận quốc tế, nhất là sau khi báo chí phương Tây đưa tin Nga muốn mua đạn dược từ Triều Tiên và đổi lại sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng về công nghệ tên lửa - những thông tin mà cả 2 nước bác bỏ.

Diễn biến trong chuyến đi được theo dõi sát sao, từ cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo, nội dung hội đàm song phương, cho tới những vấn đề bên lề như thực đơn tiệc chiêu đãi, quà tặng hai bên trao cho nhau, hay thậm chí là cách xe riêng của ông Kim được đưa lên tàu hỏa ra sao.

Sau gần một tuần, chuyến thăm kết thúc hôm 17/9 nhưng hai bên không ra tuyên bố chung hay ký kết văn bản hợp tác. Ngoài những cam kết nói chung, hai nước không công bố chi tiết những gì đã nhất trí hợp tác.

Dù vậy, một điều chắc chắn là thông qua chuyến thăm, Nga và Triều Tiên đã thể hiện sự đoàn kết trước sức ép từ phương Tây. Nhưng theo chuyên gia, cái bắt tay Nga - Triều không chỉ khiến Mỹ và các đồng minh "đau đầu", mà ngay cả Trung Quốc cũng khó xử.

Nga - Triều bắt tay, phương Tây khó xử - 1

Đoàn tàu màu xanh lá đậm được cho là của ông Kim Jong-un dừng tại Bắc Kinh năm 2018 (Ảnh: Reuters).

Nga - Triều: Hợp tác quân sự là chủ đạo

Các chuyên gia nhận định hợp tác quân sự là chủ đề được chú trọng trong chương trình chuyến thăm, thể hiện ngay từ thành phần đoàn tháp tùng.

Nhiều nhân vật quân sự cấp cao của Triều Tiên đã đi cùng ông Kim, như Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Ri Pyong-chol; Nguyên soái Pak Jong-chon; Chủ tịch Ủy ban Khoa học và Công nghệ Vũ trụ quốc gia Pak Thae-song; Giám đốc Cục Công nghiệp Đạn dược Jo Chun-ryong; và Bộ trưởng Quốc phòng Kang Sun-nam.

Địa điểm diễn ra các hoạt động song phương cũng thể hiện khía cạnh quân sự. Ông Putin và ông Kim đã tổ chức hội đàm tại Trung tâm Vũ trụ Vostochny, nơi Nga xây dựng để giảm phụ thuộc vào trung tâm Baikonur tại Kazakhstan.

Chính Tổng thống Nga đã tiết lộ quyết định gặp nhau tại đây thể hiện "mức độ quan tâm lớn" của ông Kim đối với công nghệ tên lửa, trong bối cảnh Triều Tiên cũng đang cố gắng thúc đẩy chương trình vũ trụ nhưng đã gặp 2 lần phóng thử vệ tinh thất bại trong năm nay.

"Chúng tôi nói về việc nếu phía Triều Tiên muốn, chúng tôi có thể huấn luyện và phóng nhà du hành vũ trụ của Triều Tiên vào không gian", TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Sự hỗ trợ của Moscow với công nghệ phóng có thể giúp Bình Nhưỡng thực hiện mục tiêu hiện đại hóa quân đội, trong đó bao gồm việc phát triển vệ tinh trinh sát quân sự, Ankit Panda, nghiên cứu viên cấp cao của Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie (Mỹ), bình luận trên Foreign Policy.

Nga - Triều bắt tay, phương Tây khó xử - 2

Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu dẫn ông Kim tham quan các khí tài hiện đại của Nga (Ảnh: KCNA).

Sau cuộc gặp với ông Putin, đoàn tàu bọc thép lần lượt đưa ông Kim đi thăm nhà máy sản xuất Su-35 và Su-57, chiêm ngưỡng máy bay ném bom Tu-160, Tu-05 và Tu-22M3, hệ thống tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga, cũng như tham quan tàu hộ vệ Nguyên soái Shaposhnikov.

Gặp Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu, ông Kim trao đổi về cách tăng cường hợp tác giữa quân đội hai nước. Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun-nam cũng có mặt tại cuộc gặp.

"Bộ trưởng Kang Sun-nam bày tỏ sẵn sàng tiếp tục củng cố hơn nữa sự gắn kết và hợp tác tác chiến với quân đội Nga, bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới", đài VOK của Triều Tiên đưa tin.

Đương nhiên, không phải toàn bộ nội dung chuyến thăm ông Kim đều về vấn đề quân sự. Tổng thống Putin tiết lộ hai nước còn dự định mở rộng hợp tác về giao thông - vận chuyển (đường sắt, đường cao tốc và cảng biển), nông nghiệp và các lĩnh vực khác như hỗ trợ nhân đạo, theo TASS.

Mỹ gần như "bó tay"

Chuyến thăm của ông Kim được bám sát với những đồn đoán về thỏa thuận vũ khí Nga - Triều. Từ lâu trước khi chuyến đi diễn ra, báo chí phương Tây đã đưa tin rằng Moscow đang quan tâm tới số đạn pháo trong kho Triều Tiên vì chúng tương thích với khí tài quân đội Nga đang dùng.

Nhưng chuyên gia Ankit cho rằng kể cả khi Triều Tiên cung cấp đạn dược cho Nga, chiến sự Ukraine nhiều khả năng cũng không thay đổi, vì vấn đề thiếu đạn dược không phải yếu tố chính ngăn cản các lực lượng Nga tại Ukraine.

Ngoài ra còn là vấn đề vận chuyển. Chia sẻ với AP, Du Hyeong Cha, nhà phân tích thuộc Viện Chính sách Công Asan, nghi ngờ rằng Triều Tiên khó có thể nhanh chóng gửi đi lượng lớn đạn pháo cho Nga vì hành lang đường bộ giữa 2 nước còn hẹp và đường sắt chỉ có thể xử lý số hàng hạn chế.

Theo giới chuyên gia, điều quan trọng hơn cả là ý nghĩa biểu tượng. Những chuyên gia này cho rằng chuyến thăm này là sự thách thức đối với Mỹ và đồng minh ở châu Á, làm phức tạp thêm tính toán của đối phương, đặc biệt là khi Washington - Seoul - Tokyo tuyên bố thắt chặt hợp tác an ninh.

Trong nhiều tuần qua, Mỹ đã cảnh báo Triều Tiên về việc cung cấp vũ khí cho Nga. Gần đây, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định sẽ có "cái giá phải trả" nếu 2 nước đạt thỏa thuận vũ khí. Hôm 11/9, Bộ Ngoại giao Mỹ dọa sẽ tiếp tục trừng phạt nếu Bình Nhưỡng giao vũ khí cho Moscow.

Nga - Triều bắt tay, phương Tây khó xử - 3

Ông Kim Jong-un vẫy tay chào trước khi lên tàu hỏa bọc thép về nước. Ông không ký kết văn bản hợp tác nào sau cuộc gặp với ông Putin, theo Điện Kremlin (Ảnh: KCNA).

Nhưng trong bối cảnh Nga và Triều Tiên vốn đã nằm trong danh sách quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới, lần lượt đứng thứ nhất và thứ 4, tính tới tháng 3/2022, Washington hiện có trong tay rất ít lựa chọn.

Mark Barry, một nhà phân tích độc lập về các vấn đề châu Á, nói với Al Jazeera rằng Mỹ có thể áp đặt thêm các lệnh trừng phạt "vô thưởng vô phạt" với Triều Tiên, nhưng sẽ không ngăn được Bình Nhưỡng hợp tác với Moscow.

"Mỹ hiện không có bất kỳ đòn bẩy đàm phán nào đối với Triều Tiên", Jenny Town, thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, D.C., nói với Al Jazeera.

"Chúng ta có thể tăng cường các biện pháp ngăn chặn. Chúng ta có thể làm cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn, nhưng ta không thể ngăn cản Triều Tiên có mối quan hệ bình đẳng với các quốc gia khác, đặc biệt là khi bản thân Mỹ không có quan hệ với Triều Tiên", bà Town chỉ ra.

Ông Panda cho rằng với việc Nga - Triều tăng cường hợp tác sẽ khiến mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên ngày càng xa vời, nếu không muốn nói là bất khả thi. Và do đó, Washington nên thực sự xem xét lại cách tiếp cận của mình đối với Bình Nhưỡng trong hàng chục năm qua.

"Việc khuyến khích ông Kim rời xa Moscow sẽ rất khó khăn, nhưng Washington nên sẵn sàng dùng mọi thứ trong bộ công cụ ngoại giao nhằm cho Triều Tiên một lý do để họ ít nhất xem xét khả năng tương tác ngoại giao trở lại", ông Panda viết.

Nga - Triều bắt tay, phương Tây khó xử - 4

Ông Trump và ông Kim từng tổ chức loạt cuộc gặp thượng đỉnh để giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên nhưng không có kết quả (Ảnh: Getty).

Trung Quốc theo dõi sát sao

Giống phương Tây, Trung Quốc cũng dõi theo sát sao động thái ngoại giao giữa hai nước láng giềng Nga và Triều Tiên. Chuyến thăm Nga của ông Kim cũng sẽ đi kèm những hàm ý chiến lược đối với Bắc Kinh, giới chuyên gia nhận định.

Theo Victor Cha, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ,  quan hệ sâu sắc hơn giữa Moscow và Bình Nhưỡng có thể nâng cao vị thế của cả hai nước này, từ đó làm giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong các cuộc trao đổi về xung đột Ukraine và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Điều này nhiều khả năng sẽ khiến Trung Quốc tăng cường tương tác với Triều Tiên, tương tự chuỗi 5 cuộc gặp liên tiếp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào những năm 2018-2019, cùng thời điểm ông Kim cũng có các cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Khi thượng đỉnh Mỹ - Triều không mang lại kết quả, các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Trung Quốc và Triều Tiên cũng dừng lại, ông Cha nói trong một chương trình của CSIS.

Một điểm nữa có thể không phù hợp với tính toán chiến lược của Trung Quốc là việc Mỹ có khả năng lấy lý do "tăng cường răn đe" Triều Tiên để siết chặt hợp tác hơn nữa với Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời triển khai thêm nhiều khí tài chiến lược trong khu vực, theo Park Won-gon, Giáo sư về Triều Tiên thuộc Đại học nữ sinh Ewha tại Seoul.

Nga - Triều bắt tay, phương Tây khó xử - 5

Ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un trong một cuộc gặp tại Bắc Kinh vào năm 2018 (Ảnh: AP).

Washington đã tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn hồi tháng 4. Cuộc gặp đã cho ra đời "Tuyên bố Washington" và việc thành lập Nhóm tư vấn hạt nhân (NCG), nhằm tăng cường khả năng răn đe mở rộng trước Triều Tiên.

Vào tháng 7, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio USS Kentucky đã ghé cảng ở Busan, Hàn Quốc. Tới tháng 8, Mỹ đã triển khai máy bay ném bom B-1B tham gia tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng sự phối hợp mạnh mẽ hơn với cả Nga và Triều Tiên cũng có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc vì nó sẽ là sự đối trọng với Mỹ và đồng minh.

Theo logic đó, biến chuyển trong quan hệ Nga - Triều, bao gồm việc Moscow hỗ trợ Bình Nhưỡng, có khả năng giảm bớt áp lực cho Trung Quốc và củng cố chính vị thế của nước này trong khu vực.

Khi được hỏi về chuyến thăm Nga của ông Kim Jong-un, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết đó là việc riêng "giữa hai nước".

"Còn về quan hệ Trung Quốc - DPRK (tên chính thức của Triều Tiên), Trung Quốc và DPRK là láng giềng hữu nghị núi liền núi, sông liền sông", bà Mao Ninh nói trong buổi họp báo 13/9.

"Cả hai bên đang tăng cường trao đổi và hợp tác trên diện rộng, đồng thời nỗ lực đạt được những tiến bộ mới, lớn hơn trong tình hữu nghị và hợp tác truyền thống của chúng tôi", bà nói.

Theo New York Times, Foreign Policy, Al Jazeera, Sputnik