1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga nêu điều kiện đàm phán hòa bình tại Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga tuyên bố Moscow không né tránh việc xem xét các đề xuất nhằm hạ nhiệt cuộc xung đột với Ukraine.

Nga nêu điều kiện đàm phán hòa bình tại Ukraine - 1

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (Ảnh: Reuters).

"Nếu nói về đàm phán, hãy để (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky hủy bỏ sắc lệnh mà ông ấy đã ký một năm trước, trong đó cấm ông ấy và tất cả các quan chức cấp dưới tham gia đàm phán với Nga", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với các phóng viên ở Minsk hôm 26/10.

Theo ông Lavrov, phương Tây vẫn "thúc đẩy chính quyền Ukraine tiếp tục chiến tranh". Ngoại trưởng Nga khẳng định Moscow không tìm cách né tránh các cuộc đàm phán với Ukraine.

"Chúng tôi không bao giờ né tránh những đề xuất nghiêm túc; chỉ là không có đề xuất nghiêm túc nào được đưa ra kể từ khi họ phá vỡ (thỏa thuận sơ bộ của Moscow với Kiev) vào tháng 4/2022. Nếu vấn đề được giải quyết trên chiến trường, cứ để như vậy đi", nhà ngoại giao Nga cho biết.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục châm ngòi cho cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng điều này sẽ không thay đổi cục diện xung đột, mà chỉ kéo dài tình trạng thù địch.

"Người cầm trịch chính trong tiến trình này là Mỹ chứ không phải Kiev. Vì vậy, Mỹ càng đổ thêm dầu vào lửa bằng những hành động của họ, can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, mọi chuyện sẽ càng kéo dài. Nhưng điều đó cũng không thể thay đổi diễn biến sự việc. Nga sẽ đạt được mục tiêu của mình", ông Peskov nói.

Lầu Năm Góc ngày 26/10 thông báo gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 150 triệu USD dành cho Ukraine, bao gồm tên lửa phòng không Stinger, đạn pháo bổ sung và đạn dược cho các hệ thống NASAMS và HIMARS cùng nhiều vũ khí khác.

Gói viện trợ mới của Mỹ được công bố trong bối cảnh nhiều người lo ngại rằng chiến sự Israel - Hamas có thể làm giảm mức độ hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine ở thời điểm Kiev cần nhiều viện trợ hơn nữa để tạo đột phá cho chiến dịch phản công Nga.

Nga và Ukraine đã không ngồi vào bàn đàm phán kể từ sau cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3 năm ngoái, một tháng sau khi xung đột nổ ra.

Tháng 10/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Moscow nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine, đồng thời cho rằng những điều kiện mà Kiev đưa ra "không thực tế".

Trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc mới đây, Tổng thống Putin một lần nữa nhấn mạnh Nga không bao giờ phản đối giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cáo buộc Ukraine đã lật ngược thỏa thuận vào phút chót và chưa thực sự sẵn sàng đàm phán.

Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm mà Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm ngoái.

Theo Tass