1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga đối mặt rủi ro lớn khi đẩy mạnh sử dụng không quân tại Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Những thắng lợi gần đây của Nga ở phía đông Ukraine được cho là nhờ sự hỗ trợ lớn nhưng đầy rủi ro của lực lượng không quân.

Nga đối mặt rủi ro lớn khi đẩy mạnh sử dụng không quân tại Ukraine - 1

Các xạ thủ phòng không Ukraine khai hỏa từ một vị trí ở khu vực Donetsk vào tháng trước (Ảnh: Getty).

Từ khi bùng nổ chiến sự vào tháng 2/2022 cho đến nay, cuộc xung đột ở Ukraine chủ yếu diễn ra trên thực địa, trong đó quân đội thường xuyên phải giao tranh với sự hỗ trợ của pháo hạng nặng và máy bay không người lái (UAV).

Lực lượng không quân của hai bên chỉ đóng vai trò thứ yếu, vì Ukraine chỉ có phi đội máy bay chiến đấu hạn chế, còn Nga không thể giành được ưu thế trên không như mong đợi ngay từ những ngày đầu.

Nhưng khi quân đội Nga tiếp tục tấn công ở phía đông, lực lượng không quân của nước này đã đảm nhận vai trò lớn hơn.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng, Moscow đang tăng cường sử dụng máy bay chiến đấu gần tiền tuyến nhằm thả bom dẫn đường cực mạnh vào các vị trí của Ukraine và dọn đường cho bộ binh. Các chuyên gia nhận định, chiến thuật này được sử dụng nhiều nhất ở Avdiivka, thành phố chiến lược phía đông mà Moscow đã chiếm quyền kiểm soát vào tháng trước.

Và thực tế cho thấy chiến lược đó đã mang lại kết quả bất ngờ. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với rủi ro. "Đó là chiến thuật tốn kém nhưng khá hiệu quả của Nga ở chiến trường Ukraine", ông Serhiy Hrabskyi, cựu đại tá quân đội Ukraine cho biết. "Thật nguy hiểm khi Nga điều máy bay chiến đấu của họ đến gần tiền tuyến, nhưng điều đó có thể tác động đến các vị trí của Ukraine một cách hiệu quả", ông nói thêm.

Quân đội Ukraine tuần trước tuyên bố đã bắn hạ 7 máy bay chiến đấu Su-34, gần như tất cả đều hoạt động ở phía đông, chỉ vài ngày sau khi bắn rơi máy bay trinh sát radar tầm xa A-50 của Nga. Theo các quan chức Ukraine, đây là một phần trong chuỗi cuộc tấn công thành công nhằm vào Lực lượng Không quân Nga, trong đó Kiev tuyên bố đã bắn rơi 15 máy bay trong nhiều ngày.

Tuy nhiên, hầu hết các vụ bắn hạ không thể được xác minh độc lập. Oryx, trang phân tích quân sự thống kê tổn thất dựa trên bằng chứng trực quan, và các blogger quân sự Nga xác nhận việc mất 2 máy bay chiến đấu Su-35. Cơ quan tình báo quân sự Anh xác nhận máy bay A-50 bị phá hủy.

Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao về sức mạnh không quân và công nghệ tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London (RUSI), cảnh báo "việc tuyên bố quá mức về số lần tiêu diệt máy bay là một đặc điểm mang tính hệ thống của chiến tranh trên không".

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Ukraine "chắc chắn đã tiến hành ngày càng nhiều các cuộc giao tranh kiểu phục kích" với sự hỗ trợ của các hệ thống phòng không trong những tháng gần đây và đã đạt được "những thành công đáng chú ý".

Sau khi chiến sự bùng nổ vào tháng 2/2022, Ukraine đã thành công khi ngăn được việc Nga kiểm soát bầu trời thông qua không chiến và sử dụng khéo léo tên lửa phòng không.

Trong một báo cáo, RUSI cho biết chỉ sau 1 tháng và các máy bay chiến đấu của mình bị tổn thất nặng nề, Nga đã ngừng điều chiến đấu cơ ra ngoài tiền tuyến, thay vào đó chuyển sang phóng hàng loạt tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo từ xa.

Nhưng việc này lại khiến Nga "không thể sử dụng hiệu quả hỏa lực trên không hạng nặng và hiệu quả" của máy bay ném bom chiến đấu để tấn công các vị trí tiền tuyến của Ukraine, báo cáo cho hay.

Nga thay đổi chiến thuật

Và Moscow bắt đầu thay đổi chiến thuật vào đầu năm ngoái khi đã bắt đầu sử dụng bom lượn, loại đạn dẫn đường được thả từ máy bay và có thể bay quãng đường dài tới tiền tuyến, hạn chế rủi ro cho máy bay từ tên lửa phòng không. Chúng có thể mang theo hàng trăm kg thuốc nổ, bom lượn có thể xuyên thủng các hầm ngầm bảo vệ chiến sĩ ở mặt trận.

"Những quả bom này phá hủy hoàn toàn mọi vị trí. Tất cả các tòa nhà và công trình kiến trúc chỉ đơn giản biến thành một cái hố sau khi bị tấn công", Egor Sugar, một binh sĩ Ukraine từng chiến đấu ở Avdiivka, viết trên mạng xã hội.

Các quan chức Ukraine và các nhà phân tích quân sự cho biết, không quân Nga đã đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kiểm soát được Avdiivka của Moscow, nơi yêu cầu các máy bay phản lực Nga "bay gần hơn" đến tiền tuyến để phát huy tối đa tác dụng của bom lượn. Và điều đó khiến chúng có nguy cơ bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ.

Vào cuối tháng 12/2023, quân đội Ukraine cho biết đã phá hủy 3 máy bay phản lực Su-34 gần bờ phía đông sông Dnipro do Nga kiểm soát ở phía nam, nơi quân đội Ukraine đã bảo vệ các vị trí nhỏ. Sau đó là các cuộc bắn hạ ở phía đông.

Hiện vẫn chưa rõ Ukraine đã triển khai hệ thống phòng không nào. Tuy nhiên, một số quan chức quân đội và nhà phân tích đã bóng gió về việc sử dụng hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất, hệ thống phòng không trên mặt đất tiên tiến nhất của Mỹ.

"Các lực lượng Nga dường như đã chấp nhận tỷ lệ tổn thất không quân ngày càng tăng trong những tuần gần đây để tiến hành các cuộc tấn công bằng bom lượn nhằm hỗ trợ các hoạt động tấn công đang diễn ra của Nga ở miền đông Ukraine", Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết.

Một trong những thành công lớn nhất của Ukraine trong trận không chiến là việc phá hủy một trong những máy bay radar A-50 của Nga vào tuần trước - chiếc thứ hai trong năm nay.

Lực lượng Không quân Ukraine cho biết hoạt động không của Nga ở miền đông Ukraine đã giảm đáng kể vào từ tối 2/3.

Hiện chưa rõ Nga có thể duy trì những tổn thất này trong thời gian bao lâu và ở mức độ nào. Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Nga Tass hôm 29/2 cho biết tập đoàn quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước Rostec sẽ tiếp tục sản xuất A-50 "vì lực lượng vũ trang Nga cần nó.

Cựu đại tá Hrabskyi đã ví chiến lược tốn kém trên không của Nga với chiến thuật trên bộ, nơi nước này từng tung đợt quân tấn công mạnh mẽ nhất giành quyền kiểm soát các thành phố.

Theo New York Times