1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga nêu lý do siêu tăng "bất khả chiến bại" T-14 vắng bóng tại Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhà thầu vũ khí hàng đầu của Nga nêu lý do mà nước này chưa điều động siêu tăng hiện đại nhất kho vũ khí là T-14 Armata tới chiến trường Ukraine.

Nga nêu lý do siêu tăng bất khả chiến bại T-14 vắng bóng tại Ukraine - 1

Xe tăng T-14 Armata trong một cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ (Ảnh: The Drive).

Theo hãng tin RIA Novosti, Sergei Chemezov, giám đốc điều hành của công ty quốc phòng Nga Rostec, tiết lộ rằng xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata (MBT) sẽ không được sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine.

Theo ông, lý do là xe tăng này có giá cao, mặc dù chúng đã được đưa vào biên chế lực lượng vũ trang Nga.

"Trên thực tế, Armata hơi đắt tiền. Nó chắc chắn vượt trội hơn so với các loại xe tăng hiện có về mặt chức năng, tuy nhiên chi phí quá cao khiến quân đội Nga khó có thể sử dụng nó vào thời điểm hiện tại. Sẽ dễ dàng hơn nếu họ sử dụng những chiếc T-90", ông nói.

Ông nhận định, việc Nga đầu tư vào vũ khí giá rẻ hơn là điều hợp lý. "Chúng tôi hiện cần vốn để phát triển xe tăng mới, vũ khí mới, có thể là những loại rẻ hơn. Vì vậy, nếu có thể mua được vũ khí rẻ hơn thì tại sao không", ông nhấn mạnh.

T-14 Armata là một xe tăng chiến đấu chủ lực do công ty cơ khí Uralvagonzavod của Nga chế tạo. Nó chính thức được giới thiệu tới công chúng nhân dịp lễ duyệt binh Ngày chiến thắng năm 2015.

Vào thời điểm đó, một quan chức tình báo quân đội Anh khi đó viết một bài nghiên cứu, trong đó đánh giá: "Armata đại diện cho bước thay đổi mang tính cách mạng nhất trong thiết kế xe tăng suốt nửa thế kỷ qua".

Sở hữu tính năng "khủng" cùng cấu tạo hiện đại và kiên cố, siêu tăng này của Nga được gọi với danh hiệu "bất khả chiến bại" nhờ khả năng chống chọi mọi đòn tấn công và có thể tung ra những "nắm đấm" hỏa lực mạnh mẽ.

T-14 Armata được trang bị pháo nòng trơn 2A82-1M cỡ nòng 125mm có khả năng phóng tên lửa dẫn đường bằng laser 3UBK21 Sprinter có thể bay xa 12 km.

Xe tăng này còn được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động Afghanit, gồm radar và các bộ cảm biến, có khả năng phát hiện và tiêu diệt các tên lửa dẫn đường và đạn chống tăng đang được bắn về phía nó. Ngoài ra, lớp giáp phản ứng nổ Malachit cũng giúp xe tăng này giảm 50% khả năng xuyên phá của đạn chống tăng hiện đại.

Được thiết kế theo dạng module, xe tăng T-14 Armata có thể được dễ dàng sửa chữa và nâng cấp khi cần thiết. Bên cạnh đó, thiết kế này cũng giúp xe tăng chiến đấu chủ lực đời mới của Nga có khả năng bảo vệ chống lại các vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học.

Tuy nhiên, T-14 thực sự là một xe tăng đắt đỏ. Năm 2018, RT trích nguồn tin từ một quan chức chính phủ cấp cao của Nga cho biết, nhận định giá thành của T-14 đắt hơn nhiều các dòng xe tăng chủ lực khác.

Trước đó, có những thông tin về việc Nga có thể đã đưa T-14 tới "thử lửa" ở Ukraine để cải tiến dòng xe tăng này. Tuy nhiên, Moscow chưa lên tiếng về điều này.

Hồi tháng trước, Tổng thống Putin đã ca ngợi xe tăng T-90 Proryv trong chuyến thăm nhà máy quân sự Uralvagonzavod. 

Ông nhận định: "T-90 là loại xe tăng tốt nhất thế giới mà không cường điệu. Lính tăng của chúng ta và đối thủ đều công nhận nó là loại xe tăng tốt nhất thế giới".

Theo UP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine