1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga có thể thay Trung Quốc hóa giải căng thẳng Triều Tiên?

(Dân trí) - Trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng được cho là ngày càng sụt giảm, liệu Nga có thể đóng vai trò như một bên trung gian hòa giải để hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên?

Cờ Nga, Trung Quốc, Triều Tiên tại khu vực biên giới 3 nước ở phía đông bắc Trung Quốc (Ảnh: Getty)
Cờ Nga, Trung Quốc, Triều Tiên tại khu vực biên giới 3 nước ở phía đông bắc Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Trung Quốc ngày 8/12 nói rằng nước này hoan nghênh đề xuất của Nga trong việc thiết lập các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay. Giới quan sát nhận định đây là dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng mờ nhạt của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng dù hai nước là đồng minh thân cận lâu năm.

“Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của tất cả các bên, trong đó có Nga, để xây dựng đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu trước báo giới.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Bình Nhưỡng vẫn chờ đợi các cuộc đàm phán trực tiếp với Washington, và Moscow sẵn sàng hỗ trợ cũng như thúc đẩy các cuộc đàm phán này. Đây được xem là nỗ lực của Nga trong việc góp phần hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên với vai trò bảo trợ quyền lực.

So với Trung Quốc, Nga có ít ảnh hưởng về kinh tế hơn đối với Triều Tiên. Trong những năm qua, Moscow cũng chỉ đóng vai trò hạn chế trong việc làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, khi tình hình căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân và vũ khí của Triều Tiên tăng nhiệt trở lại trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho biết Moscow đã thiết lập các kênh đối thoại với Triều Tiên và sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của Moscow để tác động lên Bình Nhưỡng. Đây là dấu hiệu cho thấy Nga đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong vấn đề Triều Tiên.

Quan hệ Nga - Triều

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Wu Xinbo, học giả nghiên cứu quốc tế tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, Trung Quốc, nhận định mối quan hệ ngày càng nguội lạnh giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã mở cánh cửa cho Nga tăng cường ảnh hưởng trong bối cảnh bế tắc chính trị như hiện nay.

“Cả Trung Quốc và Mỹ đều đã cạn kiệt phương án đối phó với Triều Tiên. Khi Triều Tiên ngày càng rời xa Trung Quốc, đây là cơ hội để Nga xích lại gần Triều Tiên hơn”, học giả Wu Xinbo cho biết.

Hồi tháng trước, Song Tao, lãnh đạo cơ quan đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có chuyến thăm hiếm hoi tới Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Song đã không có bất kỳ cuộc gặp nào với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo giới quan sát, đây cũng là dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng của Trung Quốc với quốc gia láng giềng đang yếu dần đi.

Trong khi đó, vai trò của Nga đối với Triều Tiên ngày càng nổi bật. Mặc dù vẫn ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên, song Nga cũng âm thầm tăng cường sự ủng hộ về kinh tế và trở thành một trong những nước viện trợ lương thực nhiếu nhất cho Bình Nhưỡng. Quan hệ thương mại song phương giữa Nga và Triều Tiên trong quý đầu năm 2017 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên 31,4 triệu USD, trong đó chủ yếu là sự gia tăng trong hoạt động xuất khẩu dầu.

Zhang Liangui, chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, nhận định mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Triều Tiên là một diễn biến “đáng chú ý”.

Theo chuyên gia Zhang, mặc dù cả Nga và Trung Quốc đều ủng hộ phương án “đóng băng kép” đối với Triều Tiên, nhưng Moscow không thực sự nhấn mạnh mục tiêu phi hạt nhân hóa Bình Nhưỡng. Theo phương án này, Triều Tiên sẽ dừng các chương trình hạt nhân và tên lửa để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung.

Tuy nhiên, Mỹ không ủng hộ đề xuất trên của Nga và Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói rằng các cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên sẽ không được đưa ra xem xét cho tới khi Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn tham vọng hạt nhân.

Thành Đạt

Theo SCMP