1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga bác khả năng đàm phán với chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky

Minh Phương

(Dân trí) - Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho đến khi đạt mọi mục tiêu đề ra và bác khả năng hòa đàm với chính quyền hiện tại của Ukraine.

Nga bác khả năng đàm phán với chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky - 1

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Reuters).

Trong một bài phát biểu ngày 4/3, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết Moscow sẽ tiếp tục "chiến dịch quân sự đặc biệt" cho đến khi Ukraine đầu hàng.

Ông bác khả năng hòa đàm với chính quyền Ukraine hiện nay của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ông Medvedev nhấn mạnh, bất cứ chính quyền tương lai nào của Ukraine muốn đàm phán với Nga cần phải công nhận "tình hình trên thực địa".

Ông Medvdev gọi chính quyền hiện tại của Ukraine là "mối đe dọa lớn" với các chính sách chống Nga. Ông cũng cho rằng Ukraine đã "rơi vào bẫy" do Mỹ và các đồng minh đặt ra là biến Kiev thành vũ khí để chống lại Nga.

Ông Medvedev cho biết Nga không quan tâm đến việc chinh phục lãnh thổ. Ông khẳng định Ukraine có tài nguyên thiên nhiên dồi dào thì Nga cũng có rất nhiều. Theo ông, người Ukraine đã trở nên "bối rối" trước sự tuyên truyền của phương Tây, nhưng cốt lõi của họ là họ có những giá trị và lối sống giống người Nga.

Hòa đàm giữa Nga và Ukraine đã đình trệ kể từ tháng 3/2022. Nga cáo buộc phương Tây gây sức ép khiến Kiev rút khỏi đàm phán vào phút chót dù hai bên đã đạt được thỏa thuận sơ bộ.

Chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow vẫn để ngỏ đàm phán với Ukraine, song Kiev không có thiện chí khi Tổng thống Volodymyr Zelensky ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với Nga. Do vậy, để nối lại hòa đàm, Kiev trước tiên phải hủy bỏ sắc lệnh đó và chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ".

Moscow cảnh báo, Kiev càng chậm trễ nối lại đàm phán, các điều kiện sau này sẽ càng khó khăn hơn.

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky tuyên bố, mọi cuộc hòa đàm với Nga nếu diễn ra đều phải dựa trên cơ sở công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine, hay nói cách khác phải dựa vào điều khoản mà Kiev đưa ra.

Ông Zelensky và giới chức Ukraine đã ra sức kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công thức hòa bình này. Tuy nhiên, Moscow nêu rõ, mọi đàm phán về xung đột hiện nay nếu không có sự tham gia của Nga đều vô nghĩa.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin đã đề cập đến điều này trong cuộc họp với Đặc phái viên Trung Quốc Li Hui tại Moscow tuần trước.

"Bất kỳ cuộc thảo luận nào về giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine đều không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia và xem xét lợi ích của Nga trong lĩnh vực an ninh", ông Galuzin nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao Nga nói thêm: "Các tối hậu thư mà Ukraine và phương Tây đưa ra cho Nga hay việc thúc đẩy các hình thức đối thoại liên quan chỉ gây tổn hại đến triển vọng giải quyết xung đột và không thể coi là cơ sở giải quyết xung đột".

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine